Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn: Bài 1: Tạo không gian phát triển mới
Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số.
Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới, cơ hội để xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái bảo đảm…
* “Cầu nối” trong kết nối kinh tế, thương mại
Theo quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có diện tích tự nhiên 831.018 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Lạng Sơn và 10 huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc (dự kiến trình cấp có thẩm quyền sáp nhập vào thành phố Lạng Sơn theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương), Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn. Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030 có quy mô kinh tế và GRDP bình quân nằm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 9%/năm. Năm 2030, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt khoảng 150 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 340 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%/năm (theo chuẩn nghèo của các giai đoạn).Đến năm 2030, tỉnh cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trở thành động lực tăng trưởng chính; ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ; hệ thống đô thị hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trên cả bốn trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số. Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Tỉnh trở thành vùng đất “xanh” hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực: Năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thương hiệu quốc gia của nông sản Việt Nam, là cầu nối góp phần đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đến với khu vực và thế giới.
Lạng Sơn là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN và các nước trên thế giới. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, logistics và vận tải chiếm tỷ trọng lớn…
Để đạt được các mục tiêu trên, Lạng Sơn xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đổi mới, hoàn thiện thể chế, cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành; Đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng chống thiên tai, xử lý chất thải, nước thải; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người lao động và thu hút nhân tài; phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Xứ Lạng; Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; Chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.Đặc biệt, tỉnh lựa chọn 4 khâu đột phá phát triển đó là: Chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch, là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
* Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển đến năm 2030 và dài hạn của tỉnh cũng như các địa phương trong tỉnh, tạo cơ sở để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Nguyễn Văn Hạnh cho biết, theo quy hoạch tỉnh Lạng Sơn, thành phố nằm trong trục phát triển kinh tế Đồng Đăng - Hữu Lũng gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam, chạy dọc theo tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị qua thành phố Lạng Sơn mở rộng và các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, kết nối với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội.
Thành phố giữ vị trí quan trọng trong hành lang kinh tế Cao Lộc (thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng) - Văn Lãng - Tràng Định (dọc theo tuyến quốc lộ 4A, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, kết nối với tỉnh Cao Bằng), được định hướng phát triển các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông - lâm nghiệp và du lịch của vùng kinh tế phía Tây, đồng thời tăng cường kết nối và nâng cao vị thế kết nối vùng cho Lạng Sơn. Cùng với đó là hành lang kinh tế thành phố Lạng Sơn mở rộng - Lộc Bình - Đình Lập (dọc theo quốc lộ 4B, cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, kết nối vùng kinh tế phía Đông tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh), được hoạch định phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ vận tải - logistics; phát triển các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp cho vùng kinh tế phía Đông của tỉnh.
Vùng thành phố Lạng Sơn mở rộng theo hướng sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Cao Lộc. Đây là những điều kiện thuận lợi, cơ hội để thành phố mở rộng không gian, tăng cường thu hút đầu tư và phát huy nguồn lực, tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; là hạt nhân, động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc. Theo Bí thư Huyện ủy Hữu Lũng Phan Hồng Tiến, Hữu Lũng giáp tỉnh Bắc Giang và tỉnh Thái Nguyên với hệ thống giao thông kết nối thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế và đón các nhà đầu tư. Trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hữu Lũng được xác định là khu vực phát triển trọng điểm về công nghiệp, đô thị, dịch vụ của tỉnh. Đến năm 2030, huyện có 5 khu công nghiệp, diện tích hơn 1.892 ha bao gồm: Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn; Khu Công nghiệp xã Hòa Lạc; Khu Công nghiệp Hữu Lũng 2; Khu Công nghiệp Hữu Lũng 3; Khu Công nghiệp Hữu Lũng 4... Với định hướng trên sẽ tạo cơ hội lớn cho địa phương tăng tốc phát triển, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho lao động địa phương.
Ông Trần Mạnh Thuần, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khu trung chuyển Lạng Sơn cho rằng, việc quy hoạch tỉnh hoạch định phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... có ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, xây dựng địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, xây dựng cảng cạn, logistics trên địa bàn.
Tuy vậy, các doanh nghiệp mong muốn, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh, tăng diện tích cảng cạn nhằm đáp ứng yêu cầu trung chuyển hàng hóa. Thực tế cho thấy, nhằm góp phần nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cần phải quy hoạch, xây dựng các khu trung chuyển hàng quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại.