Quy hoạch tổng thể quốc gia: Mục tiêu cần khả thi
Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra nhiều mục tiêu về triển khai thực hiện các dự án lớn, công trình trọng điểm, phát triển các hành lang kinh tế, cực tăng trưởng…, để đến năm 2050, thu nhập bình quân đầu người đạt 27.000-32.000 USD. Thảo luận tại tổ sáng 6/1, nhiều đại biểu lưu ý mục tiêu đặt ra phải bảo đảm tính khả thi, 'đừng vẽ như New York, Paris rồi không làm được'.
Đầu tư dàn trải thì khó phát triển
Theo báo cáo quy hoạch, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó huy động từ khu vực kinh tế nhà nước là 9,7 triệu tỷ đồng.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phân tích, trong một thế giới luôn biến đổi cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước. “Nếu chúng ta chậm, không cập nhật hàng tháng thì sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia”, Chủ tịch nước nói.
Góp ý về một số nội dung trong dự thảo quy hoạch, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lưu ý đến tính khả thi, nhất là làm rõ nguồn lực để thực hiện.
“Đừng vẽ như New York, Paris rồi không làm được”, ông Ngân nói. Dẫn tình trạng xuống cấp của sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), ông Ngân nói rằng “nếu như có sự hợp tác công tư, giao cho khu vực tư quản lý thì sẽ khác ngay”.
Từ đó, ông đề nghị đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đặc biệt cần xác định cơ chế để huy động nguồn lực trong xã hội, đẩy mạnh hợp tác theo hình thức PPP.
“Có như vậy, sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ triển khai các dự án và mới sớm đến đích”, vị đại biểu Quốc hội TPHCM nói.
Trong khi đó, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đặt mục tiêu làm sao phát huy được ưu thế của đất nước, địa phương để xây dựng, nếu không sẽ không đạt mục tiêu. Ông Phàn nêu ví dụ, hiện nay tỉnh nào cũng muốn có sân bay, có cảng, khu công nghiệp mà không dựa trên nguyên tắc nào.
“Người ta nói sân bay quốc tế thì ít nhất phải cách nhau 500 km. Chúng ta có khoảng 450 km nhưng 5 - 6 cái sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy thì không được”, ông Phàn nhận định.
Nhân lực là yếu tố then chốt
Góp ý ở tổ Cần Thơ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tới năm 2050 đạt 27.000-32.000 USD. Theo ông, vượt qua bẫy trung bình đã khó, đặt mục tiêu vượt xa như vậy là thách thức rất lớn.
“Đặt ra mục tiêu khả thi mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo; còn nếu mục tiêu không khả thi, các bước đi sẽ gặp khó khăn. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là khá khó khăn”, ông Hùng nói.
Nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phân tích, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước.
“Nếu chúng ta chậm, không cập nhật hàng tháng thì sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia”, Chủ tịch nước nói.
Ông cho rằng, đi liền với khoa học công nghệ thì phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch. Đây giải pháp then chốt. Về một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, Chủ tịch nước cho rằng, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao. Vì chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.