Quy hoạch vùng, 'cú hích' cho sự phát triển của miền Trung
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển.
Việc xây dựng Quy hoạch vùng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, có sự tham gia của nhà tư vấn quốc tế và được các bộ, ngành và các địa phương trong vùng đóng góp tích cực.
Dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung vừa được "trình làng" tại hội nghị tổ chức ở Đà Nẵng với các bộ, ngành, chuyên gia và các địa phương trong vùng.
Theo đó, dự thảo đề xuất phân 3 tiểu vùng gồm:
Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Trong đó khu vực ven biển ba tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước và là khu vực động lực phát triển của Bắc Trung Bộ gắn với khu cảng biển, khu chế xuất, trung tâm logistics quốc tế tại Nghi Sơn, Thanh Hóa và cảng biển nước sâu Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm 5 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định. Khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi thành vùng động lực quốc gia, trong đó Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia theo đúng định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đà Nẵng và các đô thị lân cận trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận. Trong đó, cụm đô thị Vân Phong-Nha Trang-Cam Ranh là trung tâm tiểu vùng Nam Trung Bộ về kinh tế, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế; trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Khánh Hòa. Phát triển trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo lớn ở Ninh Thuận, Bình thuận.
"Mở đường" phát triển của vùng
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, những nội dung đề cập tại dự thảo Quy hoạch vùng là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Quy hoạch vùng hướng đến việc chủ động kiến tạo phát triển, tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để tái tổ chức không gian phát triển vùng nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng sẽ là cơ sở để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác; bao gồm việc đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.
Tuy thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Cụ thể như: Thu hút, kết nối và huy động mọi nguồn lực đầu tư, mọi thành phần kinh tế để đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển với trọng tâm là liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của vùng, như công nghiệp hóa dầu; năng lượng tái tạo; công nghiệp ôtô và phụ trợ; chế biến lâm sản, thủy sản…
“Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các hội nghị giữa đơn vị tư vấn với các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với một số địa phương trong vùng...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bài học từ Hà Lan
Với vai trò là đơn vị tư vấn Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tại hội nghị đại diện đơn vị tư vấn đến từ Hà Lan đã có báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu đến Hội đồng Điều phối Vùng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 14 tỉnh, thành phố trong phạm vi nghiên cứu lập đồ án.
Theo đại diện đơn vị tư vấn đến từ Hà Lan, sau khi thực hiện thành công Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Royal HaskoningDHV (một trong ba tập đoàn tư vấn kỹ thuật hàng đầu tại Hà Lan với kinh nghiệm 140 năm toàn cầu và hơn 35 năm kinh nghiệm tại Việt Nam) được giao trọng trách tiếp tục xây dựng các quy hoạch cấp tỉnh tại Việt Nam bao gồm Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ. Và mới đây nhất, Royal HaskoningDHV cũng là đơn vị đứng đầu liên danh lập Quy hoạch tổng thể TP.HCM - một dự án lớn phức tạp và là một trong những Quy hoạch cấp tỉnh quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là các quy hoạch được thực hiện theo phương pháp tích hợp mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam từ khi Luật Quy hoạch ra đời (ban hành năm 2017, có hiệu lực từ năm 2019).
Trong các quy hoạch tỉnh này, đơn vị tư vấn quốc tế chịu trách nhiệm đánh giá thực trạng và lập phương hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc phân bổ sử dụng đất, hệ thống đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phương án bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu..., và xây dựng cơ sở dữ liệu của quy hoạch.
Trên cơ sở phân chia 3 tiểu vùng của Hội đồng Điều phối Vùng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 14 tỉnh, thành phố trong phạm vi nghiên cứu lập đồ án, đơn vị tư vấn cũng phân tích đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của từng tiểu vùng để đưa ra các định hướng phát triển, tăng cường liên kết cho các tiểu vùng, trong đó ưu tiên các giải pháp phát triển bền vững, thuận theo tự nhiên, các dự án không và ít hối tiếc, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc xác định các tiểu vùng là yếu tố quan trọng nên cần xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối. Thay vì lâu nay chúng ta phát triển các dự án kinh tế - xã hội riêng lẻ của mỗi địa phương thì bây giờ chúng ta ưu tiên các dự án liên địa phương thuộc các tiểu vùng hoặc cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Sau khi tiếp nhận các góp kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị tư vấn sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.