Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ tầm nhìn 2050: Bài 1- Định hình vị thế vùng Đông Nam Bộ trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á và thế giới

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ mở ra một tầm nhìn chiến lược nhằm đưa khu vực trở thành trung tâm kinh tế năng động hàng đầu Đông Nam Á, thông qua tái cấu trúc không gian phát triển và mở rộng các đô thị chiến lược.

Vùng Đông Nam Bộ từ lâu đã là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.

Vùng Đông Nam Bộ từ lâu đã là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.

Mở rộng không gian đô thị, tái thiết vùng kinh tế trọng điểm

Các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và Bình Thuận từ lâu đã là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, những hạn chế về hạ tầng, thể chế, liên kết vùng và phân bố không gian đô thị đang ngày càng bộc lộ rõ, trở thành rào cản cho đà bứt phá.

Trong bối cảnh đó, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024) được kỳ vọng sẽ tái thiết không gian phát triển, nâng tầm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành cực tăng trưởng mới của khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Quy hoạch vùng lần này phải đặt trong tầm nhìn dài hạn, tư duy đột phá và tầm nhìn quốc tế, nhằm tạo ra một không gian phát triển hài hòa, bền vững và có khả năng cạnh tranh toàn cầu".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (ngày 02/12/2024).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (ngày 02/12/2024).

Một trong những định hướng mang tính đột phá là việc dự kiến sáp nhập các đơn vị hành chính để hình thành các thực thể kinh tế, đô thị có quy mô và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Cụ thể, đề xuất mở rộng TP HCM bằng cách sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đồng thời sáp nhập tỉnh Bình Phước vào Đồng Nai để hình thành vùng động lực phát triển công, nông, thương, logistics, gắn với hành lang kinh tế Tây Nguyên và Campuchia.

Bên cạnh đó, theo các phân tích chuyên gia, việc sáp nhập giữa Đồng Nai và Bình Phước có thể diễn ra, trong khi trục phát triển Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận cũng đang được đặt lên bàn tính toán. Phương án này không chỉ giúp Đắk Nông có lối ra biển, mà còn mang ý nghĩa chiến lược về kết nối và mở rộng cơ hội phát triển cho khu vực Nam Tây Nguyên.

PGS.TS Võ Trí Hảo - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá: Việc hình thành một địa phương mới từ Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận có thể tạo ra ưu thế kết nối đáng kể, mở ra không gian phát triển đa chiều từ nội địa ra biển.

Việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ là một bài toán địa lý, mà còn là chiến lược tái cấu trúc không gian phát triển toàn diện, hướng đến hình thành các siêu đô thị đa trung tâm, đa chức năng. TP HCM mở rộng có thể đạt quy mô dân số hơn 20 triệu người, diện tích trên 8.000km², giữ vai trò trung tâm tài chính, công nghệ, dịch vụ quốc tế có thể sánh ngang các đô thị như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur. Trong khi đó, vùng Đồng Nai mới (bao gồm cả Bình Phước) sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, nông nghiệp xanh, hậu cần và đào tạo nhân lực của toàn vùng.

Đây không chỉ là quyết sách đột phá về quản trị không gian, mà còn là đòn bẩy điều phối chính sách phát triển liên vùng, giảm chồng lấn quy hoạch, tối ưu nguồn lực đầu tư và thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ sản xuất, chế biến, logistics đến xuất khẩu. Hành lang kinh tế TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng trở thành cụm động lực kinh tế lớn nhất cả nước, trực tiếp kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt và đường thủy quốc tế.

Liên kết vùng - Chuyển đổi số - Đô thị xanh: Ba trụ cột chiến lược

Bên cạnh cấu trúc không gian, quy hoạch xác định ba trụ cột then chốt cho phát triển bền vững, gồm: tăng cường liên kết vùng, chuyển đổi số toàn diện và phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, thích ứng.

Cụm Đông Nam Bộ được kỳ vọng trở thành cụm động lực kinh tế lớn nhất cả nước với các ngành nghề từ sản xuất, chế biến, công nghệ cao, logistics đến xuất khẩu.

Cụm Đông Nam Bộ được kỳ vọng trở thành cụm động lực kinh tế lớn nhất cả nước với các ngành nghề từ sản xuất, chế biến, công nghệ cao, logistics đến xuất khẩu.

Liên kết vùng được nâng lên thành yêu cầu thể chế và thực tiễn cấp thiết. Việc thành lập Ban điều phối vùng Đông Nam Bộ có vai trò định hướng chiến lược, điều tiết và phân bổ nguồn lực phát triển, là giải pháp quan trọng để xóa bỏ tình trạng "mạnh ai nấy làm". Điều này càng có ý nghĩa khi vùng đang đồng thời triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như: sân bay quốc tế Long Thành, vành đai 3, 4 TP HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Mộc Bài và các trung tâm logistics kết nối cảng biển, cảng hàng không.

Chuyển đổi số được xác định là động lực tăng trưởng cốt lõi trong thời kỳ mới. TP HCM và Bình Dương đã tiên phong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, hệ thống dữ liệu liên thông; trong khi các địa phương còn lại đang tích cực phát triển nền tảng số cho nông nghiệp, thương mại, dịch vụ công. Trong tương lai gần, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng dẫn đầu cả nước về kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và nền tảng quản trị thông minh.

Bên cạnh đó, đô thị hóa xanh, thông minh đang trở thành xu hướng tất yếu. Thay vì phát triển dàn trải, quy hoạch hướng đến xây dựng các đô thị vệ tinh, đô thị công nghiệp, công nghệ cao, các khu đô thị sinh thái ven sông, ven biển, giảm áp lực lên nội đô TP HCM. Đồng thời, các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường sẽ được triển khai đồng bộ để tăng sức chống chịu của đô thị trước biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tích hợp, đồng thuận liên vùng

Tổng thể, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ không chỉ đơn thuần là bài toán kết nối không gian địa lý, mà là một chiến lược tái thiết toàn diện cấu trúc phát triển, mô hình quản trị và cơ chế điều phối đầu tư liên vùng. Mục tiêu là đưa khu vực trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, sản xuất công nghệ cao, logistics, tài chính và dịch vụ tiên phong trong khu vực Đông Nam Á.

Đồng Nai tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đây là công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Đồng Nai tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đây là công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Một trong những nội dung trọng tâm của quy hoạch là định hướng phát triển ngành logistics gắn với mạng lưới hạ tầng vùng. Các địa phương đang nghiên cứu và phối hợp xây dựng Đề án phát triển ngành logistics vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với các trục giao thông huyết mạch, cảng biển, sân bay và vùng nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu.

Tại buổi làm việc liên vùng do Ban Chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch phối hợp tổ chức trong năm 2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định, việc tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là Vành đai 4, cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm triển khai trên thực địa. Với các dự án đang triển khai như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hay Vành đai 3, TP HCM đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng kế hoạch”.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho biết: “Dự án đường Vành đai 4 sẽ được trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa năm 2025. Đối với các tuyến cao tốc kết nối quốc tế, TP HCM sẽ nỗ lực khởi công tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài trong năm nay, bảo đảm tính đồng bộ với các tuyến cao tốc phía Campuchia”.

Những chỉ đạo này đã được lan tỏa và cụ thể hóa tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, do Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương tổ chức vào tháng 8/2024 tại tỉnh Đồng Nai. Tại đây, nhiều địa phương trong vùng đã thể hiện cam kết chính trị cao trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phối hợp điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị nguồn lực cho các dự án vành đai và cao tốc kết nối liên vùng.

Sự đồng thuận về mặt chủ trương và hành động giữa các tỉnh, thành đã được thể hiện rõ qua các phát biểu của lãnh đạo địa phương. Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở rộng không gian vùng đô thị trung tâm. Việc phối hợp quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị thông minh sẽ giúp Bình Dương phát huy tối đa tiềm năng sẵn có và đồng hành cùng TP HCM trở thành hạt nhân tăng trưởng mới của khu vực”.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng cho biết tỉnh đang chủ động rà soát các phương án phát triển không gian vùng, trong đó có khả năng nghiên cứu đề xuất kết nối hành chính, kinh tế giữa huyện Nhơn Trạch và TP HCM trong dài hạn. Đây được xem là một hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển không gian liên thông vùng đô thị trung tâm, kết nối đa chiều giữa các cực tăng trưởng.

Những ý kiến và cam kết này cho thấy sự đồng thuận rõ rệt giữa Trung ương và địa phương trong việc hiện thực hóa Quy hoạch 370/QĐ-TTg không chỉ là tầm nhìn xa, mà đang được cụ thể hóa bằng các hành động chiến lược, thể chế phối hợp và cam kết triển khai liên vùng, hướng tới một Đông Nam Bộ hiện đại, tích hợp và vươn tầm khu vực.

Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, bền vững, là trung tâm kinh tế tri thức, tài chính, công nghiệp công nghệ cao, logistics và đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. Nếu triển khai hiệu quả, vùng không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế quốc gia, mà còn trở thành một cực tăng trưởng chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương.

(Còn tiếp)

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quy-hoach-vung-dong-nam-bo-tam-nhin-2050-bai-1-dinh-hinh-vi-the-vung-dong-nam-bo-tren-ban-do-kinh-te-dong-nam-a-va-the-gioi-post545309.html