Quy hoạch vùng huyện Định Hóa: Xác định rõ vị thế để phát triển bền vững
Huyện Định Hóa vừa công bố Đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2045. Đây là một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn mới.
Định Hóa là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh, cách TP. Thái Nguyên 50km, với tổng diện tích tự nhiên là 513,77km2; có 23 xã, thị trấn, với dân số gần 90.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,6%.
Huyện có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trên địa bàn có Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa với hàng trăm di tích lịch sử, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, như: Nghi lễ múa Then của dân tộc Tày, múa Rối cạn tại các xã Đồng Thịnh, Bình Yên; Lễ hội Lồng Tồng…, cùng nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị thu hút du khách.
Những năm qua, tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn huyện ngày một nhanh, hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư nâng cấp và mở rộng. Do đó, việc lập quy hoạch vùng huyện là hết sức cần thiết nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết nối chặt chẽ với quá trình phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh và cả vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Theo Đồ án quy hoạch, huyện Định Hóa định hướng phát triển theo 3 phân vùng, gồm: Vùng 1 với 5 xã phía Bắc (Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vỹ, Tân Thịnh, Bảo Linh) được định hướng phát triển du lịch, nông - lâm nghiệp, thủy sản.
Vùng 2 là khu vực trung tâm huyện, có nút giao giữa đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 3C, với 8 xã, thị trấn (Chợ Chu, Kim Phượng, Phúc Chu, Định Biên, Đồng Thịnh, Trung Hội, Phượng Tiến, Tân Dương) định hướng phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp.
Vùng 3 là khu vực phía Nam với 9 xã (Bình Yên, Phú Đình, Thanh Định, Điềm Mặc, Sơn Phú, Bình Thành, Bộc Nhiêu, Trung Lương, Phú Tiến) có định hướng phát triển du lịch, lâm nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Riêng xã Bảo Cường theo lộ trình sẽ được sáp nhập vào thị trấn Chợ Chu.
Theo ông Ngô Xuân Điển, Chủ tịch UBND xã Bình Yên: Mặc dù xã Bình Yên có địa hình, đất đai không thật sự thuận lợi để xây dựng đô thị, tuy vậy địa phương lại có mật độ dân cư đông do có vị trí là ngã 3 đường kết nối các tuyến giao thông Quốc lộ 3C, đường tỉnh 264 và 264B đi các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn hay đi huyện Phú Lương, Đại Từ.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng, dự báo sự phát triển của địa phương trong tương lai, xã sẽ tham mưu với UBND huyện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã Bình Yên theo hướng phát triển du lịch, lâm nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Trong Đồ án quy hoạch vùng, Định Hóa phấn đấu đến cuối năm 2023 trở thành huyện nông thôn mới. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa hai trung tâm phát triển đô thị là thị trấn Chợ Chu và đô thị mới Bình Yên; phấn đấu đến năm 2045 huyện Định Hóa trở thành huyện có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh.
Mục tiêu đề ra là thực hiện đô thị hóa gắn với phát triển du lịch, lâm nghiệp và nông nghiệp theo hướng hiện đại, sạch và sinh thái; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó là tổ chức, quy hoạch hệ thống các điểm dân cư nông thôn gắn với hệ thống các trung tâm cụm xã, tổ chức không gian hệ thống đô thị, nông thôn, phân bố không gian xây dựng các khu chức năng công nghiệp, khu du lịch cộng đồng, dịch vụ, tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho biết: Đồ án quy hoạch vùng huyện giúp cụ thể hóa các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới, là cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển không gian hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn.
Đồ án quy hoạch cũng định hướng việc kết nối hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với khả năng đô thị hóa và đầu tư xây dựng hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn toàn huyện theo các giai đoạn (đến năm 2030 và giai đoạn 2031-2045)…