Quy hoạnh cần quan tâm đến việc phát triển du lịch biển gắn với chủ quyền biển đảo

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng cần quan tâm đến việc phát triển du lịch biển để phát triển mạnh mẽ du lịch biển gắn với chủ quyền biển đảo.

Sáng 30/5, sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.

Phát triển mạnh mẽ du lịch biển gắn với chủ quyền biển đảo

Nêu ý kiến thảo luân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) khẳng định việc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành của Quốc hội là rất đúng, rất cần thiết. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn giám sát tối cao lần này của Quốc hội đã thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt vào đúng giai đoạn dịch COVID-19 rất trầm trọng.

Thống nhất cao với các nội dung của báo cáo giám sát, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, báo cáo đã cho thấy công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hệ thống, quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, nhưng chỉ mới đạt được những kết quả bước đầu, báo cáo đã chỉ ra các nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như chính sách pháp luật quy hoạch còn bất cập từ tư duy, nhận thức, chỉ đạo thi hành, tuyên truyền, tập huấn, công tác tư vấn lập quy hoạch, kinh nghiệm, phương pháp lập quy hoạch, đầu tư cho công tác quy hoạch hệ thống thông tin dữ liệu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tin tưởng kết quả giám sát lần này có ý nghĩa để điều chỉnh, thúc đẩy công tác lập quy hoạch của quốc gia, của tỉnh, của các ngành được tốt hơn trong giai đoạn tới.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Anh Trí thống nhất với việc Quy hoạch tổng thể quốc gia nên bao gồm những nội dung định hướng như về định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian biển, định hướng sử dụng đất quốc gia; xem xét lồng ghép quy hoạch để bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm và quy hoạch xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM; quan tâm đến cả việc phát triển du lịch biển để phát triển mạnh mẽ du lịch biển gắn với chủ quyền biển đảo.

Cho rằng việc lựa chọn chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" là hợp lý, kịp thời để rà soát những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, đại biểu Đỗ Thị Lan đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo giám sát. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Quốc hội

Thêm vào đó, đại biểu đề nghị Chính phủ thống nhất phạm vi, đối tượng quy hoạch ngành quốc gia theo hướng quy hoạch ngành quốc gia chỉ lập quy hoạch mạng lưới quy hoạch cơ sở thuộc ngành mình quản lý, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, phân cấp cho các tỉnh để lập các quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, tạo sự chủ động trong bố trí không gian lập quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, khu dân cư đô thị, nông thôn, hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa, cơ sở bảo trợ xã hội,… đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh.

Xem việc quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng điểm

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) khẳng định việc lựa chọn chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" là quyết sách đúng đắn, hợp lý, sát thực tiễn và kịp thời nhằm tổng rà soát việc thực hiện pháp luật về công tác quy hoạch, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu đề nghị cần có quyết tâm chính trị trong toàn hệ thống, xem việc quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng điểm, phải có kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, có thời gian hoàn thành, kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, không nên phó mặc, phụ thuộc vào đơn vị tư vấn quy hoạch, các cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải chủ động đưa ra các định hướng lớn trong quy hoạch.

Ông Trần Văn Khải cho rằng, người đứng đầu, các lãnh đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải dành thời gian nghiên cứu, đưa ra định hướng, góp ý cho tư vấn, tránh quy hoạch chậm tiến độ, kém chất lượng. Ngoài ra, phải huy động được sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực bên ngoài một cách linh hoạt, nêu cao tinh thần dân chủ, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các địa phương… để đảm bảo chất lượng và tiến độ quy hoạch.

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) chỉ ra rằng, về chất lượng quy hoạch, trong thời gian qua các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức; tính khả thi không cao; thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành có liên quan; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn.

Qua giám sát, đại biểu nhấn mạnh, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn vốn; khó khăn về về đơn vị tư vấn… dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp.

Đại biểu Lê Văn Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Lê Văn Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Quốc hội

Trong thời gian tới, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia. Đại biểu cho rằng, đây sẽ là nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.

Trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, đại biểu đề nghị thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban nhằm hạn chế mâu thuẫn và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan đề cao công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, trao đổi, thống nhất quan điểm trong quá trình quản lý các loại quy hoạch để giảm thiểu hạn chế, sai sót trong công tác quy hoạch.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/quy-hoanh-can-quan-tam-den-viec-phat-trien-du-lich-bien-gan-voi-chu-quyen-bien-dao-2022053012013586.htm