Quý III/2020: Vĩnh Hoàn kinh doanh gặp khó, tiếp tục lấy tiền đi đầu tư chứng khoán
Tính tới 30/09/2020, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) có tổng 129,5 tỷ đồng giá trị thị trường đầu tư vào cổ phiếu và các khoản đầu tư khác.
Theo đó, Vĩnh Hoàn công bố báo cáo tài chính quý III/2020 với doanh thu là 1.799,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 175,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 4,4% và 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 19,7% về còn 12,7%.
Doanh nghiệp có thuyết minh lợi nhuận giảm 30,9% do giá bán giảm so với cùng kỳ.
Nguồn: Internet
Lũy kế 9 tháng đầu năm Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu là 5.093,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 551,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,6% và 43,8% so với 9 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành 51,9% kế hoạch lợi nhuận với kịch bản cao; hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận với kịch bản thấp.
Có thể thấy mặc dù với kịch bản cao hay thấp doanh nghiệp vẫn còn cách khá xa kế hoạch năm tài chính 2020. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu cá tra đang cho thấy dấu hiệu hồi phục chậm hơn nhiều so với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Với triển vọng hồi phục xuất khẩu cá tra chậm như hiện này, doanh nghiệp sẽ vẫn cần thời gian để khôi phục lại hoạt động xuất khẩu.
Được biết, trong năm 2020 Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch với hai kịch bản, kịch bản cao là doanh thu 8.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.063 tỷ đồng; kịch bản thấp với doanh thu là 6.450 tỷ đồng và lợi nhuận là 800 tỷ đồng.
Không những kết quả kinh doanh suy giảm, dòng tiền hoạt động của VHC trong 9 tháng đầu năm chỉ ghi nhận dương 319,2 tỷ đồng, giảm tới 61,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 6% lên 7.007,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định trị giá 1.734,5 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền là 1.656,7 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng tài sản; các khoản phải thu là 1.478,7 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng tài sản; tồn kho là 1.440,2 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng tài sản.
Điểm đáng chú ý kết quả kinh doanh cốt lõi gặp khó, nhưng tính tới 30/09/2020, Vĩnh Hoàn có tổng 129,5 tỷ đồng giá trị thị trường đầu tư vào cổ phiếu và các khoản đầu tư khác. Trong đó, các khoản đầu tư lớn nhất là CTCP Sữa Việt Nam (VNM) trị giá 40,7 tỷ đồng (giá gốc 38 tỷ đồng), Công ty cổ phần FPT trị giá 30,3 tỷ đồng (giá gốc 29 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Hòa Phát trị giá 50,1 tỷ đồng (giá gốc 44 tỷ đồng).
Có thể thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp khó, doanh nghiệp đã trích ra 117,7 tỷ đồng tiền đi đầu tư tài chính vào các cổ phiếu trên sàn, đầu năm không có khoản mục này.
Nhờ đầu tư vào hoạt động tài chính trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp có ghi nhận doanh thu tài chính từ chứng khoán kinh doanh là 36,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ không có khoản mục này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận chi phí tài chính là lỗ chứng khoán kinh doanh 10,3 tỷ đồng. Như vậy, nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán giúp doanh nghiệp lãi ròng 26,4 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy nhờ sở hữu lượng tiền lớn, hoạt động kinh doanh gặp khó VHC đang lấy tiền đi đầu tư chứng khoán trong thời gian vừa qua.