Quý III-2021: Thu nhập người lao động giảm trung bình gần 900 nghìn đồng mỗi tháng
Thu nhập bình quân tháng trong quý III-2021 của người lao động là 5,2 triệu đồng, sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục thống kê cho biết, thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (6 triệu đồng so với 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,35 lần (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng).
Như vậy, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. So với quý II năm trước, quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III năm nay thậm chí còn thấp hơn nhiều (thấp hơn 329 nghìn đồng).
Cơ quan thống kê ghi nhận đây là mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.
Lao động tại vùng Đông Nam Bộ bị sụt giảm thu nhập nhiều nhất. So với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, biến thể Delta đã “cuốn” đi khoảng một phần tư mức thu nhập bình quân tháng của người lao động vùng này.
Quý III- 2021, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng (giảm tương ứng 29,8%) so với quý trước và giảm 1,9 triệu đồng (giảm tương ứng 24,9%) so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch TP HCM còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu, giảm 2,6 triệu đồng (giảm tương ứng 31,0%) so với quý trước và giảm 2,5 triệu đồng (giảm tương ứng 30,3%) so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động TP HCM chỉ là 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Chịu thiệt hại nhiều thứ hai chỉ sau vùng Đông Nam Bộ là những người lao động ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập bình quân của lao động ở vùng này là 4,5 triệu đồng, giảm 873 nghìn đồng (giảm tương ứng 16,1%) so với quý trước và giảm 623 nghìn đồng (giảm tương ứng 12,1% so với cùng kỳ năm trước).
Chịu tác động ít nhất bởi đại dịch Covid-19 là những lao động ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Thu nhập bình quân tháng của lao động vùng này là 4,4 triệu đồng, giảm không đáng kể so với quý trước (giảm 93 nghìn đồng).
So với lao động ở TP HCM, lao động ở Hà Nội chịu tác động nhẹ hơn rất nhiều. Mức thu nhập bình quân của người lao động Thủ đô là 7 triệu đồng/người, giảm khoảng 1 triệu/người, (giảm tương ứng 12,5%) so với quý trước và giảm 342 nghìn đồng, giảm tương ứng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo nhóm ngành kinh tế, người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị giảm thu nhập nhiều nhất, với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm khoảng 1 triệu đồng, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước. Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906 nghìn đồng, tương ứng giảm 13,5% so với quý trước.
Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không còn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định như đã quan sát được trong nhiều quý vừa qua mà cũng bắt đầu bị rơi vào sụt giảm. Thu nhập của lao động khu vực này là 3,4 triệu đồng/người/tháng, giảm 340 nghìn đồng/người, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước.
Một số ngành kinh tế cũng ghi nhận tình trạng khó khăn của người lao động khi mức thu nhập bình quân của họ liên tục giảm qua mỗi đợt bùng phát của đại dịch. Đó là các ngành: Dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức thu nhập bình quân giảm 21,2%, giảm tương ứng khoảng 1,2 triệu đồng so với quý trước; ngành vận tải, kho bãi với thu nhập bình quân giảm 20,3%, giảm tương ứng khoảng 1,6 triệu đồng so với quý trước.