Quy luật cạnh tranh mù mờ và cách nhận biết kẻ gian lận

Nhận biết kẻ gian lận thậm chí có thể còn khó hơn phát hiện ra sự gian lận nữa. Với hai người chơi, bên trung thực biết rõ rằng bên kia đã gian lận. Có thể sẽ khó khăn để khiến kẻ kia thú nhận.

Phát hiện gian lận

Một cartel cần phải tìm ra các cách phát hiện gian lận và nếu điều đó xảy ra thì xác định xem ai đã gian lận. Nhận biết một ai đó đã gian lận trong các ví dụ trước rất dễ dàng. Trong trường hợp sản xuất dầu của Iraq và Iran, mức giá sẽ là 25 đôla chỉ khi hai nước hợp tác và sản xuất ở mức 2 triệu thùng một ngày; bất kỳ một mức giá nào dưới 25 đôla cũng là dấu hiệu chứng tỏ gian lận.

Trên thực tế vấn đề phức tạp hơn như vậy. Mức giá có thể thấp hơn vì nhu cầu giảm cũng như vì nhà sản xuất gian lận. Trừ khi cartel có khả năng tách riêng các ảnh hưởng này và xác định sự thật, nó có thể nghi ngờ có gian lận và đưa ra các biện pháp trừng phạt khi trên thực tế không có ai gian lận hoặc chỉ là có sai sót cách này hay cách khác.

Điều này sẽ làm giảm bớt tính chính xác và hiệu lực của các biện pháp trừng phạt. Một giải pháp thỏa hiệp là đặt ra một mức giá tới hạn hay còn gọi là giá “khởi sự”; nếu mức giá xuống dưới giá trị này thì cartel sẽ coi là có gian lận và áp dụng các biện pháp trừng phạt.

 Cạnh tranh luôn là bức tranh sinh động trên thương trường. Ảnh: The Business Times.

Cạnh tranh luôn là bức tranh sinh động trên thương trường. Ảnh: The Business Times.

Trên thực tế còn một điểm phức tạp nữa. Các trò chơi thuộc loại này thường đa chiều trong lựa chọn và khả năng quan sát được sự gian lận là khác nhau trong mỗi chiều như vậy. Chẳng hạn các công ty cạnh tranh nhau về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và nhiều khía cạnh khác nữa.

Giá có thể tương đối dễ dàng quan sát thấy, mặc dù việc giảm giá bí mật hoặc sự linh hoạt khi tính giá nội bộ có thể gây khó khăn. Trong khi đó có nhiều khía cạnh về chất lượng rất khó theo dõi. Vì vậy, khi một cartel cố gắng áp đặt mức giá thỏa thuận cao họ thường nhận thấy cạnh tranh chuyển sang những khía cạnh mới.

Điều này đã từng xảy ra trong ngành hàng không. Trong giai đoạn ngành này bị điều tiết, giá vé là cố định và những kẻ cạnh tranh mới muốn nhảy vào thị trường phải chịu một rào cản về giá. Tình huống này giống như khi các hãng hàng không lập ra một cartel và Ủy ban Hàng không dân dụng đóng vai trò giám sát tuân thủ. Các hãng hàng không bắt đầu cạnh tranh hoặc tìm cách gian lận trong cartel.

Mặc dù không thể giảm giá nhưng họ vẫn có thể đưa thêm giá trị gia tăng thông qua các bữa ăn chất lượng hơn hay các tiếp viên nữ duyên dáng hơn. Khi luật lao động buộc các hãng này phải tuyển cả tiếp viên nam và không được đuổi việc các tiếp viên nữ quá 30 tuổi, cạnh tranh chuyển sang các thời gian biểu bay thẳng, chỗ ngồi rộng rãi và khoảng cách rộng giữa các hàng ghế để duỗi chân thoải mái hơn.

Một ví dụ nữa là chính sách thương mại quốc tế. Thuế quan là công cụ dễ thấy nhất để hạn chế thương mại và các vòng đàm phán liên tục của GATT đã đạt được sự cắt giảm đáng kể mức thuế quan đối với nhau của tất cả các nước công nghiệp. Tuy nhiên, mỗi nước đều phải chịu những áp lực chính trị bên trong từ những thế lực đặc biệt muốn hạn chế nhập khẩu. Do vậy, các quốc gia đã chuyển dần sang những công cụ khác, khó nhận ra hơn, chẳng hạn như các thỏa thuận hạn chế tự nguyện, các quy trình hải quan về định giá, các tiêu chuẩn, các biện pháp hành chính và hạn ngạch phức tạp.

Chủ đề chung của những ví dụ trên là thỏa thuận tập trung vào những khía cạnh lựa chọn minh bạch hơn trong khi cạnh tranh chuyển sang những khía cạnh khó nhận thấy hơn: Chúng tôi gọi đây là “Quy luật tăng dần của tính mù mờ”.

Mặc dù bạn có thể không nhận thấy điều này một cách rõ ràng nhưng sự thông đồng vẫn đang gây ảnh hưởng đến bạn. Khi hạn ngạch đối với xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản có hiệu lực vào năm 1981, không những giá của tất cả các xe, cả của Nhật Bản lẫn của Mỹ đều tăng lên mà các loại xe giá rẻ của Nhật Bản cũng biến khỏi thị trường. Sự cạnh tranh trong mù mờ đã gây tác hại đến hai lần: Giá tăng cao hơn và cân bằng trong cơ cấu hàng hóa bị bóp méo.

Nhận biết kẻ gian lận thậm chí có thể còn khó hơn phát hiện ra sự gian lận nữa. Với hai người chơi, bên trung thực biết rõ rằng bên kia đã gian lận. Có thể sẽ khó khăn để khiến kẻ kia thú nhận. Với số người chơi nhiều hơn 2, chúng ta có thể biết rằng đã có kẻ gian lận nhưng không ai biết kẻ đó là ai (trừ chính hắn). Trong trường hợp này, sự trừng phạt để hạn chế sự gian lận cần phải thẳng thừng và gây ảnh hưởng như nhau đến cả người vô tội lẫn kẻ có tội.

Cuối cùng sự gian lận có thể chỉ đơn giản là giữ thế thụ động và do vậy khó phân biệt. Điều này đã xảy ra trong ví dụ của chúng tôi khi sử dụng quyền lãnh đạo để đề xuất tăng thuế. Trong trường hợp như vậy, rất khó luận ra hoặc tuyên bố sự gian lận mà không có bằng chứng, Trong khi hành động tích cực ai cũng nhìn thấy thì có rất nhiều cớ có thể viện dẫn để biện hộ cho sự không hành động gì cả, chẳng hạn có nhiều việc khác gấp gáp hơn, cần có nhiều thời gian hơn để tập trung lực lượng, v.v...

Avinash K. Dixit & Barry J. Nalebuff/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/quy-luat-canh-tranh-mu-mo-va-cach-nhan-biet-ke-gian-lan-post1552683.html