TP Hồ Chí Minh: Giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người thu nhập thấp dịp Tết

Chương trình bình ổn thị trường Tết Ất Tỵ 2025 tiếp tục theo đuổi mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động thu nhập thấp.

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Lê

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Lê

Đây là khẳng định của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tại buổi họp báo kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm chiều 16-1.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, đây là điểm nổi bật của Chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Trên cơ sở xác định nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của hơn 10 triệu dân thành phố; căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2023-2024 tăng 4% - 6% so năm 2022-2023; chiếm từ 21% - 32% thị phần thời điểm tháng thường, chiếm từ 24% - 41% nhu cầu thị trường thời điểm tháng Tết; thành phố đã điều tiết thị trường để bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Những ngày cận Tết, lượng hàng về các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố tăng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày; lượng khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng tăng 50% - 80%; kênh phân phối vẫn hoạt động hiệu quả, liên tục, không để trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…

Sản lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% - 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả...

Về giá cả hàng hóa, chương trình tiếp tục điều chỉnh thêm điều khoản giảm giá bình ổn thị trường khi giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào điều chỉnh giảm hơn 3% so với lần công bố giá liền kề trước. Trong năm, đã tiến hành thực hiện 4 đợt điều chỉnh giá bán, đảm bảo nguyên tắc thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường cùng thời điểm của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng.

Riêng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chương trình vận động doanh nghiệp không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.

Cũng theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 3 chợ đầu mối, 229 chợ dân sinh, 52 trung tâm thương mại (tăng 4 trung tâm thương mại so với năm 2023), 271 siêu thị (tăng 4 siêu thị so với năm 2023) và hơn 3.300 cửa hàng tiện lợi, hơn 40.000 cửa hàng tạp hóa. Hệ thống phân phối rộng khắp này, đủ sức đảm đương cung ứng hàng hóa đến hơn 10 triệu người dân thành phố.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-giam-bot-ganh-nang-chi-tieu-cho-nguoi-thu-nhap-thap-dip-tet-690684.html