Quy mô thành phố Trà Vinh được mở rộng lên hơn gấp hai lần

Thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đạt đủ tiêu chí trở thành đô thị loại II, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình đô thị hóa. Theo đó, phạm vi thành phố Trà Vinh mở rộng có tổng diện tích tự nhiên hơn 163 km2….

Một góc thành phố Trà Vinh - Nguồn: VGP.

Một góc thành phố Trà Vinh - Nguồn: VGP.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 691/QĐ-TTg công nhận thành phố Trà Vinh mở rộng, tỉnh Trà Vinh đạt tiêu chí đô thị loại II.

Theo đó, phạm vi thành phố Trà Vinh mở rộng gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Trà Vinh hiện hữu (hơn 68 km2) và một phần huyện Châu Thành (gồm toàn bộ xã Hòa Thuận, xã Nguyệt Hóa, toàn bộ ấp Trì Phong, ấp Kinh Xáng thuộc xã Hòa Lợi, toàn bộ ấp Ba Se A, Ba Se B, Ô Chích A, Ô Chích B thuộc xã Lương Hòa), một phần huyện Càng Long (gồm toàn bộ xã Phương Thạnh, xã Đại Phúc, xã Đại Phước), có tổng diện tích tự nhiên là 163,37 km2.

Trong đó, khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 phường hiện hữu thuộc thành phố Trà Vinh (gồm toàn bộ các phường: 1, 3, 4, 5 và 7), 02 phường mở rộng (gồm toàn bộ các phường là 8 và 9) và 1 xã dự kiến thành lập phường (xã Nguyệt Hóa), có tổng diện tích tự nhiên là 57,96 km2.

Đối với khu vực ngoại thành gồm 5 xã (gồm các xã: Long Đức, Đại Phước, Đại Phúc, Phương Thạnh và Hòa Thuận), có tổng diện tích tự nhiên là 105,41 km2.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 13/01/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nêu rõ tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thực hiện Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 387.762 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 160.000 tỷ đồng và khoảng 227.762 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tỉnh Trà Vinh sẽ ưu tiên đầu tư công vào hạ tầng chiến lược, đặc biệt là giao thông, khu kinh tế, đô thị nhằm thúc đẩy liên kết vùng. Trọng tâm gắn với 3 trục động lực phát triển (trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, trục phát triển theo hướng Bắc - Nam và trục phát triển theo hướng Đông - Tây) và 3 cửa ngõ kết nối của tỉnh (cửa ngõ phía Tây Bắc, cửa ngõ phía Tây Nam và cửa ngõ phía Đông).

Đồng thời, tỉnh đầu tư vào giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội theo quy hoạch để thu hút vốn và tối ưu hiệu quả đầu tư.

Theo Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 2/10/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát là đến 2030 Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đồng thời, kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,5%/năm. Trong đó, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,32%/năm, ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 15,49%/năm, ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân 10,81%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 12% đến 15%/năm.

Về xã hội, đến 2030, Trà Vinh có tốc độ tăng dân số bình quân 0,75 %/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ đạt 40% vào năm 2030. Năng suất lao động tăng bình quân 11,65%/năm. Giải quyết việc làm mới hàng năm cho 30.000 lao động.

Thanh Thủy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-mo-thanh-pho-tra-vinh-duoc-mo-rong-len-hon-gap-hai-lan.htm