'Phi mã' theo thế giới, vàng trong nước có chạm được đỉnh 110 triệu đồng/lượng?
Chuyên gia dự báo thế nào về diễn biến giá vàng trong nước sau đợt sóng mạnh vừa đẩy giá vượt 102 triệu đồng/lượng?
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc giá vàng trong nước chạm đỉnh 110 triệu đồng/lượng là điều có thể xảy ra. Nguyên nhân là giá thế giới chưa có dấu hiệu dừng tăng.
“Trước đây tôi dự đoán giá vàng có khả năng đạt 3.200 USD/ounce trong năm 2025. Nhưng với sự biến động mạnh mẽ, bất thường như hiện nay, việc đạt được mốc này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian rất gần. Đến cuối chiều 1/4 (giờ Việt Nam), giá đã là 3.129 USD/ounce, thậm chí lúc cao nhất là 3.142 USD/ounce.
Đương nhiên, khi giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước cũng sẽ tăng tương ứng và có thể đạt mốc 110 triệu đồng/lượng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên gia dự báo giá vàng trong nước có thể chạm 110 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa)
Một yếu tố nữa có thể đẩy giá vàng trong nước tiếp tục tăng đó là nguồn cung hạn chế. Hiện chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có thể nhập khẩu vàng và đơn vị này đã không nhập khẩu vàng trong nhiều năm qua. Do đó, nguồn cung trên thị trường vàng khá căng thẳng. Trong bối cảnh giá thế giới liên tục tăng, nhà đầu tư lại nôn nóng và nguồn cung ít thì giá vàng trong nước sẽ khó hạ nhiệt.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh, ở thời điểm nhiều biến động như hiện nay thì rất khó để đưa ra một dự báo chính xác. Giá vàng có thể đảo chiều nhanh chóng rồi lại tăng, tạo nên nhiều đợt sóng liên tiếp.
Tương tự, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng mặc dù rất khó dự đoán nhưng giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng và giá vàng trong nước có thể cán mốc 110 triệu đồng/lượng.
Theo ông Phong, giá vàng thế giới vẫn đang chịu tác động từ những biến động địa chính trị, trong đó có cuộc chiến tại Ukraine. Ngoài ra, chính sách tăng mạnh thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nhiều quốc gia cũng khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn trước khủng hoảng và lạm phát.
Còn ở trong nước, tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra. Nhiều doanh nghiệp không có vàng để cung cấp cho thị trường. Người dân thì luôn trong tâm lý sốt ruột nên giá càng cao thì họ càng mua nhiều, vì thế giá vàng trong nước cũng khó giảm sâu, nếu giá thế giới không lao dốc.
Cẩn trọng "cơn gió ngược" khi đu đỉnh
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, với những người mua vàng, đặc biệt là để đầu tư thì thời điểm này cần theo dõi thị trường rất sát sao, cả trên thế giới và trong nước để có những nhận định chính xác.
Hiện các chuyên gia tài chính thế giới đã có những cảnh báo về những cơn gió ngược giá vàng. Rất có thể giá kim loại quý lao dốc tới 38% trong vòng 5 năm tới, quay trở lại mức khoảng 1.820 USD/ounce, tương đương mức giá của năm 2022. Hiện những gì đang diễn ra chỉ là đỉnh cao tạm thời và giá vàng sẽ đối mặt với nguy cơ giảm mạnh.
Cơ sở của dự đoán này là nguồn cung vàng đang tăng nhanh và ngày càng tạo sức ép giảm giá. Tính đến cuối năm 2024, tổng trữ lượng vàng đã được khai thác trên toàn cầu lên tới 216.265 tấn, tăng 9% trong 5 năm qua.
Thứ hai, nhu cầu tích trữ vàng đang có dấu hiệu chững lại. Dù năm 2024, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng hơn 1.045 tấn - đánh dấu năm thứ ba liên tiếp mức mua vượt ngưỡng 1.000 tấn, nhưng theo khảo sát của Hội đồng vàng thế giới WGC, có tới 71% ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ giữ nguyên hoặc giảm lượng vàng dự trữ trong năm tới. Điều này cho thấy lực mua vàng từ nhóm khách hàng lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu suy yếu.
Thứ ba, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường vàng đang tiến gần đến chu kỳ điều chỉnh. Theo số liệu từ S&P Global Market Intelligence, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành khai thác vàng đã tăng 32% trong năm 2024 - một dấu hiệu thường thấy trước khi giá vàng đảo chiều. Cùng với đó, số lượng các quỹ đầu tư dựa trên vàng đang tăng nhanh, tương tự kịch bản từng xuất hiện trước những giai đoạn giá vàng lao dốc trong quá khứ.
Ngoài ra, lịch sử đã chứng minh sau mỗi đợt tăng nóng, giá vàng đều có những giai đoạn điều chỉnh mạnh. Nhà đầu tư không nên cho rằng giá vàng sẽ tăng mãi mãi.
Vì thế, ông Hiếu khuyến cáo: "Với những nhà đầu tư, đây có thể là thời điểm cần hết sức thận trọng và không nên bị cuốn theo "cơn sốt" giá vàng mà bỏ qua các yếu tố nền tảng dài hạn”.
Còn với những người muốn chốt lời vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyên nên xác định mức lợi nhuận mong muốn, chẳng hạn như khi bán ra, phải có lợi nhuận là 20%, 25%, thậm chí 30%. Khi đã xác định được như vậy, nhà đầu tư sẽ biết giá vàng cần đạt đến mức nào để thực hiện bán.
TS. Nguyễn Minh Phong cũng nêu quan điểm, ở thời điểm hiện nay, nhà đầu tư không nên đợi thêm để chốt lời vì theo quy luật thông thường, khi giá vàng tăng quá nóng và ở một mức độ nhất định, giá sẽ giảm xuống.
“Với những nhà đầu tư đang muốn mua vàng, cần xem xét mục tiêu của mình là gì. Còn nếu để chốt lời thì hiện mức tăng đột biến của vàng trong 3 tháng đầu năm đã vượt qua tất cả kênh đầu tư khác (chứng khoán, ngoại tệ, gửi tiết kiệm, bất động sản hay trái phiếu) về mặt lợi nhuận và vượt cả dự báo của nhiều chuyên gia”, TS. Phong nói.
Lúc 6h ngày 2/4, giá vàng nhẫn được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 99,8 - 102,3 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Tại Doji, giá vàng nhẫn là 99,6 - 102,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), còn giá vàng miếng là 99,4 - 102,1 triệu đồng/lượng.