Quỹ phát triển du lịch: 'Có tiền mà không tiêu được'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của Quỹ phát triển du lịch vừa qua chưa ổn, 'có tiền mà không tiêu được', phần tiền Quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.

Chiều 6/5, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là số tiền 300 tỷ đồng do ngân sách nhà nước bố trí cho Quỹ phát triển du lịch.

Bộ máy vận hành, điều hành của Quỹ phát triển du lịch chưa ổn

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) chất vấn vì sao chưa triển khai nguồn kinh phí này. Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cũng đề nghị đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của quỹ. Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) phát biểu tranh luận cho rằng nếu giao quỹ này cho Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch rồi Bộ lại gửi tiền vào ngân hàng thì không cần Ban quản lý quỹ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân tranh luận về Ban quản lý Quỹ phát triển du lịch.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân tranh luận về Ban quản lý Quỹ phát triển du lịch.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 300 tỷ đồng không phải là quỹ để hỗ trợ phát triển mà theo Luật Du lịch đây là vốn điều lệ, được bảo tồn bằng cách gửi ngân hàng, phần lãi được đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy, còn phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp thông qua các hoạt động tỷ lệ % qua phí, vé. Bộ trưởng cho biết, vừa rồi được nhận 2 lần (mỗi lần 150 tỷ đồng), số lãi sau khi gửi ngân hàng chủ yếu chi cho bộ máy hành chính. Số tiền còn lại được lưu giữ tại Kho bạc. Bộ tiếp tục đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành trích lập các quỹ theo quy định. Đây là mô hình mới, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập.

Về hoạt động của quỹ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2018, còn Quỹ phát triển du lịch được hình thành từ năm 2021. Quỹ này phải có bộ máy và điều lệ hoạt động do Thủ tướng phê duyệt. Hoạt động theo mô hình vừa doanh nghiệp vừa là đơn vị sự nghiệp công lập. "Tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hàng năm, mức này khoảng 5-10%. Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì Bộ Tài chính cấp ít" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Tuy vậy, Bộ trưởng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn (đã thay Chủ tịch, Giám đốc quỹ nhưng vẫn chưa ổn), "có tiền mà không tiêu được". Phần tiền Quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. "Cách điều hành của anh em chỗ này, chỗ kia chưa được thì chúng tôi sẽ chấn chỉnh điều hành, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Có nên phát triển kinh tế đêm, du lịch đêm?

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là lĩnh vực phát triển kinh tế đêm, du lịch đêm. Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng cho giải pháp khắc phục vì du lịch đêm chưa thu hút du khách, giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm và lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới.

Đại biểu Lưu Bá Mạc chất vấn giải pháp đổi mới du lịch đêm.

Đại biểu Lưu Bá Mạc chất vấn giải pháp đổi mới du lịch đêm.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương chất vấn về du lịch đêm.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương chất vấn về du lịch đêm.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong các Quy hoạch vùng, Quy hoạch các tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt đều nêu rất rõ chỗ nào làm dự án du lịch. “Ví dụ, một tỉnh có 10 dự án du lịch thì cần tập trung dự án nào cho du lịch đêm, đó là thẩm quyền của HĐND, UBND địa phương đó" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng.

Mặt khác, Thủ tướng đã ban hành quyết định Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm. Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Chẳng hạn như Hà Nội, Ninh Bình, TP Hồ CHí Minh và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hay các loại hình phố đi bộ, nghệ thuật đường phố, ẩm thực... cũng đáp ứng một phần nhu cầu của du khách.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp. Nhiều chuyên gia kinh tế được mời về địa phương để làm nhưng phát triển kinh tế đêm là việc khó chứ không thể làm trong ngày một, ngày hai.. "Một trong những nguyên lý của thị trường là bán cái mà người ta cần chứ không phải bán cái chúng ta có. Muốn làm nhưng làm ra không ai dùng thì cũng rất khó" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải, đồng thời thông tin, có địa phương đã phát triển du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian phải dừng vì khách không đến, không biết bán cho ai. “Đây là vấn đề mới, khó nên cần tập trung nghiên cứu làm du lịch ngày cho thật tốt sau đó có thêm một số sản phẩm du lịch ban đêm phụ trợ đi kèm để thu hút du khách" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Truy giải pháp khai thác đường đua xe F1

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đề cập đến chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao. Vì vậy, chúng ta đã xây dựng đường đua xe F1 rất hoành tráng và hiện đại. “Nhưng đến nay, khu đường đua xe F1 này đang bị bỏ không. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết giải pháp khai thác đường đua này như thế nào?” - đại biểu Nguyễn Công Long nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành chất vấn.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đường đua F1 do UBND TP Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai. Sau đó, do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau nên không triển khai nữa. “Việc này, chúng tôi với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại thời điểm đó cũng đã phối hợp để bàn giao mặt bằng, đất đai để làm đường đua xe F1. Chúng tôi cũng đã thực hiện đúng quy định công tác phối hợp. Để biết chính thức đường đua đó có trở lại hoạt động hay không, chắc là các đồng chí Hà Nội trả lời giúp” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời bằng văn bản.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/quy-phat-trien-du-lich-co-tien-ma-khong-tieu-duoc-i733415/