Quỹ Sống, Nhà chống lũ và câu chuyện những người dân chủ động 'sống chung' với thiên tai

Trong hơn 10 năm gắn liền với chương trình Nhà chống lũ, bà Phạm Thị Hương Giang (biệt danh Jang Kều) - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ Sống, chia sẻ để dự án thành công, cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan, trong đó với đối tượng thụ hưởng thì không thể cho họ 'con cá' mà chỉ có thể cung cấp 'cần câu'(*).

Mỗi nhà là một mô hình

Với mục đích hỗ trợ kinh phí và thiết kế xây dựng nhà an toàn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, từ khi thành lập vào năm 2013 tính cho đến nay, chương trình Nhà chống lũ đã mang lại sự an toàn cho hơn 1.230 gia đình với 9 mô hình tại 11 tỉnh thành trên cả nước.

Phạm Thị Hương Giang, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ Sống, chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách Từ một dự án cộng đồng đến Quỹ Sống & Cẩm nang Nhà chống lũ diễn ra sáng 18.4 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM).

Theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh, thành viên Hội đồng Biên tập, Tạp chí Người Đô Thị, đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa bởi xét cho cùng, điều người ta cần nhất trong cuộc sống này là sự an toàn - có “an cư” thì mới “lạc nghiệp”. Bà cũng chia sẻ một số liệu thống kê cho thấy, trong 80 năm qua, có hơn 500 cơn bão đổ bộ vào nước ta, do đó việc có kế hoạch phòng tránh và giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể là một việc làm cần thiết.

Bà Nguyễn Thế Thanh cũng cho rằng có lẽ chưa có tổ chức xã hội nào ở Việt Nam có thể đúc kết mô hình của mình thành một cuốn cẩm nang bài bản, chuyên nghiệp như Từ một dự án cộng đồng đến Quỹ sống & Cẩm nang Nhà chống lũ. Đây là cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu, dành cho đa dạng đối tượng độc giả và cần được lan tỏa hơn nữa vì ý nghĩa của mình.

Trong cuốn sách, nhóm tác giả đã giới thiệu nhiều mô hình nhà an toàn đã thực hiện trong thời gian qua. Theo đó với ba thiết kế chính gồm nhà kê nền, nhà có gác, nhà phao và 9 biến thể từ các điều kiện thực tế, tác phẩm đã cung cấp một cách dễ hiểu và có thể được áp dụng rộng rãi những giải pháp này.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Người Đô Thị, chia sẻ tại sự kiện giao lưu ra mắt sách.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Người Đô Thị, chia sẻ tại sự kiện giao lưu ra mắt sách.

Theo ông Đinh Bá Vinh – Kiến trúc sư trưởng của chương trình Nhà chống lũ, thật ra những mô hình này rất bình thường, rất thực tế, không có gì là đặc biệt cả. Nhưng ông và đội ngũ lại rất tự hào vì đã áp dụng được chúng trong thực tế, bởi có những nơi các kiến thức này vẫn còn xa lạ.

Ông Vinh dẫn chứng, chẳng hạn sau cơn bão Damrey năm 2017, khi khảo sát tại tỉnh Khánh Hòa, ông thấy có những ngôi nhà tuy mái lợp tôn hoặc fibro xi măng, sàn được lát xi măng… nhưng vẫn đổ sập. Khi thấy người dân dựng lại nhà sau thiên tai, điều bất ngờ là họ vẫn làm như cách cũ, nghĩa là nếu chẳng may có bão xảy ra nhà vẫn sẽ tiếp tục sập. Vì vậy mà ông Vinh bắt đầu hướng dẫn mọi người cất nhà phải có cột, giằng, móng, hệ chịu lực… để có thể đứng vững.

Ông Vinh cũng chia sẻ vì điều kiện tự nhiên, đặc trưng thiên tai của mỗi vùng mỗi khác, ngay cả từng địa phương trong một vùng cũng không giống nhau, nên việc làm sẵn các module nhà chống lũ là điều không thể. Nếu làm phương án an toàn nhất thì chi phí sẽ rất cao, trong khi cào bằng làm phương án thấp nhất, thì sự an toàn không được đảm bảo.

Do đó, “1.230 căn nhà được làm trong thời gian qua là 1.230 mô hình khác nhau, không cái nào giống cái nào cả, vì còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế nên phải khảo sát rồi mới làm”, ông Vinh chia sẻ.

Kiến trúc sư Đinh Bá Vinh chia sẻ tại sự kiện.

Kiến trúc sư Đinh Bá Vinh chia sẻ tại sự kiện.

Dẫn chứng nhà phao tuy chỉ có một thiết kế duy nhất, nhưng để nó nổi được thì người thiết kế cũng cần tính toán thật là chi ly ở từng gia đình, ông Vinh tiết lộ đội ngũ của ông đã phải đi từng nhà để xác định xem hộ nào làm nông nghiệp, sản lượng dự trữ tối đa là bao nhiêu, để cộng với trọng lượng vật dụng, phương tiện sản xuất, đầu người trong một gia đình… từ đó mới cho ra tải trọng thiết kế. Hay nói cách khác là phải dự trù hết mọi kịch bản, vì "an toàn là lên trên hết".

Ông cũng giải thích từng có thông tin nhà phao bị trôi hay bị lật, nguyên nhân cho điều này là bởi người dân trong quá trình sử dụng đã không tuân thủ đúng thiết kế ban đầu. Chẳng hạn các điểm tránh trú thường được neo theo kiểu 5 điểm với chiều dài dây lên đến 25 mét nhưng vài năm do không thấy lũ, người dân tháo ra để làm việc khác, dẫn đến khi có lũ thì trở tay không kịp...

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ Sống Jang Kều chia sẻ tại sự kiện.

Chủ tịch Quỹ Sống cũng bổ sung khi đi thực tế ở làng Tân Hóa (Quảng Bình) – nơi vào năm 2023 đã được bình chọn là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới – thì kết quả là chỉ có 2 ngôi nhà chống lũ giữ nguyên thiết kế ban đầu. Điều này cho thấy ban đầu mọi người đều làm ồ ạt, nhưng nếu không có sự giám sát chặt chẽ, thì rất nhanh sau đó mọi thứ sẽ thay đổi.

Hình thành “cách” sống chủ động

Đó cũng là lý do vì sao Dự án Nhà chống lũ thực hiện phương pháp “chung tay”, qua cách tiếp cận “3 cùng”: cùng thiết kế (co-design), cùng đóng góp (co-financing) và cùng xây dựng (co-construction) giữa Quỹ Sống, tổ chức địa phương và cá nhân thụ hưởng.

Theo đó phương pháp này khuyến khích các hộ thụ hưởng cùng các bên hỗ trợ chủ động đưa ra sáng kiến và nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng, giải quyết vấn đề. Trong đó hộ hưởng lợi phải góp ít nhất 50% chi phí xây nhà dưới các hình thức khác nhau như tài chính, nguyên vật liệu, ngày công lao động… bởi có như thế họ mới quý trọng cơ hội này.

Quang cảnh sự kiện ra mắt sách Từ một dự án cộng đồng đến Quỹ Sống & Cẩm nang Nhà chống lũ diễn ra sáng 18.4.

Bà Hương Giang chia sẻ ngay từ thời điểm thành lập vào tháng 11.2013, thì cách làm trên đã được duy trì cho đến ngày nay. Xuất phát từ kinh nghiệm làm việc trong các dự án bảo vệ môi trường trong ngành thủy – hải sản ở miền Trung có nguồn tài trợ nước ngoài, bà hiểu rõ nếu không có sự đóng góp của phía thụ hưởng thì nỗ lực này sẽ khó thành công.

Ban đầu cách làm này này vấp phải rất nhiều phản đối cả trên mạng xã hội lẫn phía người dân. Bà Hương Giang cho biết phải thuyết phục rất rất nhiều lần thì mới có 1, 2 hộ đầu tiên chấp nhận thực hiện dự án Nhà chống lũ, vì 50% mà họ phải đóng góp là rất lớn, trong khi tư duy “nhà nước lo cho tất cả” khiến họ ngại ngần.

Ngoài ra thay vì chọn các hộ nghèo, chương trình Nhà chống lũ cũng tập trung hướng vào các hộ cận nghèo vì họ mới là đối tượng muốn thoát nghèo nhất, do đó cũng đã có lúc phải “gạt nước mắt đi” khi bước ra khỏi các hộ khó khăn muôn trùng.

PGS-TS. Nguyên Hạnh Nguyên – Trưởng khoa Thiết kế Sáng tạo, Đại Học Nguyễn Tất Thành, nhận định phương thức “design by” hay “co-design” mà chương trình Nhà Chống Lũ hiện đang triển khai là hợp lý .

Đánh giá về cách làm này, PGS-TS. Nguyên Hạnh Nguyên – Trưởng khoa Thiết kế Sáng tạo, Đại Học Nguyễn Tất Thành và là thành viên Hội đồng cố vấn Quỹ Sống – cho biết đây cũng là điều bản thân rút ra khi thực hiện các dự án thiết kế kiến trúc cộng đồng.

Theo bà Hạnh Nguyên, các dự án cộng đồng đã chuyển từ “design for” (khi các kiến trúc sư trực tiếp thiết kế) đến “design with” (có sự thảo luận, làm việc cùng nhiều bên) và đến nay là “design by” hay “co-design” mà chương trình Nhà chống lũ hiện đang triển khai.

Điều này đến từ thực tế là có nhiều kế hoạch rất hoành tráng, hấp dẫn, thậm chí từng được giới thiệu ở quốc tế, nhưng ngay khi thí điểm xong thì chúng nhanh chóng xuống cấp hoặc không còn giữ được hiện trạng ban đầu bởi đối tượng thụ hưởng không cụ thể, khiến họ cảm thấy không có trách nhiệm giữ gìn.

Bìa sách Từ một dự án cộng đồng đến Quỹ Sống & Cẩm nang Nhà chống lũ.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh cũng đồng ý với điều này, khi chỉ ra các trường hợp đã quan sát thấy. Bà khẳng định khi thực hiện các dự án cộng đồng thì không nên chỉ làm một mình mà nên hợp tác với nhiều phía khác, để “không chỉ mang đến một căn nhà mà còn là niềm tin, một cách sống chủ động, không chờ ai giúp đỡ cả”.

Và bên cạnh Nhà chống lũ hướng về nhà an toàn, làng hạnh phúc, thì Quỹ Sống cũng đang thực hiện chương trình “Hạnh phúc xanh” – trồng rừng để tạo ra nhiều mảng xanh có ý nghĩa ở đô thị, hướng đến môi trường bền vững và “River ơi” - thúc đẩy nâng cao nhận thức của con người về giá trị và tầm quan trọng của thiên nhiên và phát triển bền vững, từ đó hướng đến con người bền vững.

Một số mô hình nhà an toàn trưng bày tại sự kiện giao lưu ra mắt sách.

Một số mô hình nhà an toàn trưng bày tại sự kiện giao lưu ra mắt sách.

Góp sách, xây nhà cùng Quỹ Sống

Cuốn sách Từ một dự án cộng đồng đến Quỹ Sống & Cẩm nang Nhà Chống Lũ không chỉ là một tài liệu kỹ thuật mà còn mang đến một cái nhìn đầy đủ nhất về triết lý, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, phương pháp luận của Quỹ Sống và chương trình Nhà chống lũ, đồng thời gợi mở một hướng đi mới để nhân rộng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu một cách toàn diện và bền vững hơn.

9 mô hình nhà trong phần “Các mô hình nhà an toàn của chương trình Nhà chống lũ” được thiết kế phù hợp với từng loại hình thiên tai khác nhau, từ lũ lụt, bão, sạt lở đất cho đến ngập úng kéo dài. Các mô hình này được đúc kết từ quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện 1230 căn nhà dựa trên điều kiện khí hậu, địa chất và đặc thù văn hóa của từng vùng miền.

Bằng cách tập trung vào tính ứng dụng của từng mô hình, chúng tôi mong muốn cung cấp cho cộng đồng, chính quyền địa phương, các cơ quan chính phủ thêm một công cụ thiết thực để xây dựng những ngôi nhà vững chãi, an toàn trước các nguy cơ thiên tai.

Góp sách – Xây nhà cùng Quỹ Sống ngay tại: https://gopsachxaynha.vn/. Chỉ với 299.000 đồng = 1 quyển sách, bạn đọc đã góp phần giúp Nhà chống lũ lan tỏa 9 mô hình nhà an toàn và góp quỹ tiếp tục xây dựng nhà cho bà con khó khăn vùng bão lũ. Toàn bộ lợi nhuận từ sách sẽ được Quỹ Sống dùng để hỗ trợ xây dựng 40 căn nhà chống lũ cho bà con Quảng Nam và Quảng Trị trong năm nay.

BTV

Bài: Minh Anh - Ảnh: Trung Dũng

________________

(*) Buổi ra mắt sách Từ một dự án cộng đồng đến Quỹ Sống & Cẩm nang Nhà chống lũ diễn ra sáng 18.4 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/quy-song-nha-chong-lu-va-cau-chuyen-nhung-nguoi-dan-chu-dong-song-chung-voi-thien-tai-47903.html