Quy tắc cộng gộp xuất xứ: Tối ưu hóa lợi ích từ các FTA và thúc đẩy thương mại quốc tế
Quy tắc cộng gộp xuất xứ là một công cụ quan trọng trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), giúp thúc đẩy thương mại nội khối, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của các nước thành viên tham gia FTA.
Tổng cục Hải quan cho biết, mới đây Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã công bố một nghiên cứu chuyên sâu về quy tắc cộng gộp xuất xứ. Nghiên cứu này xem xét kỹ lưỡng các điều khoản cộng gộp trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hiện có và giới thiệu thực tiễn quản lý của các cơ quan Hải quan thành viên WCO liên quan đến quy tắc xuất xứ cộng gộp.
Lợi ích của quy tắc cộng gộp xuất xứ
Quy tắc cộng gộp xuất xứ (tiếng Anh: Accumulation/Cumulation of origin) là một cơ chế trong thương mại quốc tế, cho phép các thành viên trong một khối/khu vực/hiệp định thương mại tự do (FTA) được kết hợp nguyên liệu đầu vào từ các thành viên khác trong khối như thể nguyên liệu đó có nguồn gốc từ chính thành viên đó.
Nói cách khác, hàng hóa được sản xuất tại một thành viên tham gia FTA, sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ một hoặc nhiều thành viên khác, vẫn được coi là có xuất xứ từ thành viên sản xuất cuối cùng và được hưởng ưu đãi/ưu đãi đặc biệt thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên khác trong khối.
Lợi ích của quy tắc cộng gộp xuất xứ bao gồm: (i) thúc đẩy thương mại nội khối, (ii) tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và (iii) nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.
Các loại quy tắc cộng gộp là: (i) cộng gộp song phương, (ii) cộng gộp khu vực và (iii) cộng gộp toàn phần.
Tóm lại, quy tắc cộng gộp xuất xứ là một công cụ quan trọng trong các Hiệp định Thương mại tự do, giúp thúc đẩy thương mại nội khối, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của các nước thành viên tham gia FTA.
Thực tiễn triển khai quy tắc cộng gộp xuất xứ của Cơ quan hải quan các quốc gia
Theo WCO, mục tiêu chính của Báo cáo nghiên cứu vừa công bố này là cung cấp cái nhìn tổng quan chi tiết về các Hiệp định Thương mại tự do kết hợp quy tắc cộng gộp xuất xứ cũng như các yêu cầu về thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu nêu bật thực tiễn của các cơ quan Hải quan thành viên trong việc thực hiện các quy tắc này, bao gồm các yêu cầu về chứng nhận xuất xứ và quy trình xác minh xuất xứ.
Trước đó trong năm 2017, WCO cũng đã công bố một Báo cáo nghiên cứu chuyên đề so sánh về quy tắc xuất xứ ưu đãi/ưu đãi đặc biệt, phân tích các điều khoản về quy tắc xuất xứ ở các nước có trị giá xuất nhập khẩu lớn trên thế giới và đánh giá sơ bộ quy tắc cộng gộp trong 47 FTA. Tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu năm 2017 chủ yếu tập trung vào các điều khoản của các FTA này và không đề cập đến các thách thức trong quản lý và thực thi các quy tắc xuất xứ, vốn được coi là một trong những khía cạnh phức tạp nhất của việc áp dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp.
Để tiếp tục các nỗ lực trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, Ban Thư ký WCO đã mở rộng nghiên cứu về quy tắc cộng gộp và phát triển thêm các công cụ kỹ thuật. Tại phiên họp thường niên tháng 6 năm 2022, Hội đồng WCO (Kỳ họp lần thứ 139/140) đã thông qua Kế hoạch Chiến lược cho giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch Triển khai năm 2022/2023. Một nội dung quan trọng trong Kế hoạch triển khai năm 2022/2023 là nghiên cứu về quy tắc xuất xứ cộng gộp trong nhiều FTA khác nhau.
Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Ban Thư ký WCO đã tiến hành rà soát tài liệu trên diện rộng đối với 398 Hiệp định Thương mại tự do đang có hiệu lực, sử dụng Công cụ Thương mại WCO (WCO Trade Tools: Cơ sở dữ liệu về xuất xứ).
Dựa trên những kết quả nghiên cứu ban đầu, Ban Thư ký WCO đã kêu gọi các cơ quan Hải quan thành viên đóng góp ý kiến để thu thập thông tin về thực tiễn triển khai. Tổ chức Hải quan thế giới đã nhận được các phản hồi từ 29 cơ quan Hải quan thành viên ở 6 khu vực của WCO và tập hợp thành Báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về quy tắc cộng gộp xuất xứ.
Nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu
Báo cáo nghiên cứu của WCO bao gồm ba phần chính: giải thích kỹ thuật về cộng gộp xuất xứ, tổng quan về đánh giá tài liệu và nghiên cứu trường hợp về triển khai hành chính.
Ngoài ra, Báo cáo còn có phụ lục cung cấp thông tin bổ sung về danh mục phân loại cộng gộp trong các FTA. Mục tiêu của nghiên cứu là hỗ trợ các nước thành viên bằng cách cung cấp kiến thức chuyên môn về quy tắc cộng gộp và thực tiễn quản lý, cụ thể:
Phần 1: Giải thích thuật ngữ về Cộng gộp Xuất xứ cung cấp giải thích kỹ thuật chi tiết và ví dụ về cộng gộp, phân loại các loại cộng gộp khác nhau.
Phần 2: Tổng quan về Rà soát các tài liệu tóm tắt kết quả đánh giá từ các FTA hiện có, trình bày chi tiết về quy tắc cộng gộp và các yêu cầu về thủ tục.
Phần 3: Nghiên cứu tình huống (case studies) về triển khai trong quản lý nêu bật các ví dụ thực tế từ các cơ quan Hải quan thành viên về việc áp dụng quy tắc cộng gộp.
Để cung cấp thông tin bổ sung để, Báo cáo nghiên cứu còn bao gồm một phụ lục với tiêu đề "Danh mục Phân loại về các quy tắc cộng gộp xuất xứ của các FTA".
Báo cáo nghiên cứu này của WCO nhằm hỗ trợ các cơ quan Hải quan thành viên qua việc cung cấp thông tin phân tích chi tiết về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ đối với quy tắc cộng gộp và thực tiễn quản lý hải quan. Hiện nay, Báo cáo nghiên cứu này chỉ có sẵn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Tối ưu hóa lợi ích từ các FTA và thúc đẩy thương mại quốc tế
Hiểu rõ và áp dụng hiệu quả quy tắc cộng gộp xuất xứ là vô cùng cần thiết đối với cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Việc nắm vững kiến thức về quy tắc này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đồng thời giúp tránh được rủi ro pháp lý và tối ưu hóa lợi ích kinh tế.
Đối với cơ quan Hải quan
Thứ nhất, thực thi pháp luật hiệu quả. Nắm rõ quy tắc cộng gộp giúp cơ quan hải quan xác định chính xác xuất xứ hàng hóa, áp dụng đúng thuế suất ưu đãi và ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại như khai báo xuất xứ sai lệch để hưởng lợi bất chính.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ quan hải quan có thể cung cấp thông tin hướng dẫn rõ ràng về quy tắc cộng gộp, giúp doanh nghiệp hiểu rõ và áp dụng đúng quy định, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và
Cuối cùng, đảm bảo tuân thủ cam kết quốc tế. Hiểu rõ quy tắc cộng gộp giúp cơ quan hải quan thực hiện đúng các cam kết quốc tế trong khuôn khổ FTA, góp phần duy trì môi trường thương mại tự do, công bằng và minh bạch.
Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Thứ nhất, tối ưu hóa lợi ích từ FTA. Nắm vững quy tắc cộng gộp giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế từ FTA, giảm thiểu chi phí thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên trong khối.
Thứ hai, mở rộng nguồn cung ứng nguyên liệu. Quy tắc cộng gộp cho phép doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc lựa chọn nguồn cung ứng nguyên liệu từ các nước thành viên tham gia các FTA, từ đó tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cuối cùng, nâng cao uy tín và thương hiệu. Áp dụng đúng quy tắc cộng gộp giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín với cơ quan chức năng và đối tác quốc tế, từ đó nâng cao hình ảnh và thương hiệu.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định Thương mại tự do. Trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi và 3 FTA đang đàm phán vì thế hiểu rõ và áp dụng hiệu quả quy tắc cộng gộp là yêu cầu cấp thiết đối với cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thành công.
WCO hiện lưu hành Báo cáo chi tiết này (bản tiếng Anh/tiếng Pháp) trên trang chủ của WCO tại địa chỉ: https://wcoomd.org. Các doanh nghiệp quan tâm có thể tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.