Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật: Kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh
Mặc dù, Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã ban hành được gần 2 năm nhưng vẫn còn không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, lối sống…
Vì thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hướng đến xây dựng Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh.
Chưa tự giác thực hiện
Không giống như hoa hậu H’Hen Niê hay Nguyễn Thúc Thùy Tiên có nhiều hoạt động đóng góp tích cực cho cộng đồng và luôn xây dựng hình ảnh đẹp trước công chúng, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi vừa mới đăng quang đã phải nhiều lần lên tiếng xin lỗi công chúng. Đó là bởi những phát ngôn của hoa hậu Ý Nhi bị dư luận đánh giá là chưa xứng tầm một hoa hậu, thiếu chín chắn, ảo tưởng về giá trị của bản thân… làm bùng lên những tranh cãi, nghi ngại về giá trị thực của các cuộc thi nhan sắc hiện nay.
Dù tân hoa hậu này còn quá trẻ nhưng đơn vị tổ chức và những người đã xác định tham gia hoạt động nghệ thuật phải hiểu biết và thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành ngày 13-12-2021.
Thực tế, thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng có những phát ngôn, hành động chưa thực hiện đúng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Một số nghệ sĩ, người nổi tiếng đăng tải, chia sẻ và lan truyền nội dung sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân như người mẫu T.T, ca sĩ B.L…; tham gia quảng cáo sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, công dụng, tính năng như nghệ sĩ H.V, Q.L, P.T…; thậm chí có những nghệ sĩ đã đưa ra sản phẩm mang thông điệp tiêu cực, hình ảnh phản cảm, như ca sĩ S.T, diễn viên Q.T…
Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chưa tự giác thực hiện Quy tắc ứng xử với đồng nghiệp, công chúng… Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhận định, do nghệ sĩ khi nổi tiếng chưa ý thức được sức ảnh hưởng đến cộng đồng, nhất là với giới trẻ, người hâm mộ; cố tình lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng để trục lợi cá nhân. Đặc biệt, theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, dù các quy tắc ứng xử rất cụ thể, tích cực, nhưng chỉ mang tính chất khuyến cáo, điều chỉnh hành vi, chưa có tính răn đe, xử lý những hành vi không tuân thủ. Siêu mẫu Hạ Vy cũng cho rằng, đối với những người hoạt động nghệ thuật, người nổi tiếng có hành động phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục thì các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để xử lý…
Chung tay xử lý ảnh hưởng tiêu cực
Sau khi ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan tăng cường quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì và lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị để xây dựng Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây là việc làm cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với việc triển khai Quyết định số 512/QĐ-BTTTT ngày 31-3-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành kế hoạch hành động cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ tháng 10-2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
Hiện Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan bước đầu xây dựng dự thảo Quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và tiến hành lấy ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành, đơn vị, tổ chức. Dự thảo gồm 4 nội dung: Mục đích; Phạm vi, đối tượng áp dụng; Quy trình phối hợp; Tổ chức thực hiện.
Về việc xây dựng dự thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông lưu ý, quy trình thí điểm này cần bảo đảm thống nhất trong phối hợp phát hiện, đánh giá, áp dụng biện pháp kiểm soát… theo trình tự, đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, khách quan. Về quy trình tiếp nhận thông tin và xử lý, đồng chí Tạ Quang Đông cho rằng, ngoài các nguồn chính thống, cần chọn lọc, tiếp nhận thông tin từ quần chúng, mạng xã hội… để phát hiện kịp thời, bảo đảm tính răn đe, góp phần gìn giữ chuẩn mực hành vi ứng xử; khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”; khẳng định vai trò, trách nhiệm cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật…
Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu xây dựng quy trình thí điểm này chặt chẽ, có tác động mạnh mẽ, có tầm nhìn để xử lý, kiểm soát được những trường hợp vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho nghệ thuật nước nhà phát triển.