Quy tắc xuất xứ – bài toán cần giải cho doanh nghiệp Việt Nam

Một trong những lý do chính cản trở nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các FTA là quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Quy tắc xuất xứ hàng hóa tại các FTA khá đa dạng và phức tạp, tương ứng với mỗi loại hàng hóa sẽ có quy tắc xuất xứ riêng, các doanh nghiệp cần phải xác định chính xác loại quy tắc áp dụng cho sản phẩm của mình.

Quy tắc về xuất xứ hàng hóa là một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó được hưởng những ưu đãi về thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc hơn trong việc nghiên cứu và vận dụng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong các FTA nhằm phục vụ cho hoạt động xuất khẩu của mình.

Quy tắc xuất xứ - nắm vững để tự tin áp dụng

Để phát huy tối đa tiềm năng, doanh nghiệp cần phải cập nhật và nắm rõ các quy định về quy tắc xuất xứ được quy định trong các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các FTA thường có các quy tắc xuất xứ khá phức tạp, bao gồm xuất xứ thuần túy, xuất xứ cộng gộp, hoặc xuất xứ dựa trên quy tắc giá trị gia tăng. Mỗi loại hàng hóa sẽ có quy tắc xuất xứ riêng và các doanh nghiệp cần phải xác định chính xác loại quy tắc nào áp dụng cho sản phẩm của mình.

Đối với xuất xứ thuần túy, doanh nghiệp phải chứng minh rằng toàn bộ quá trình sản xuất hoặc nuôi trồng được thực hiện tại quốc gia thành viên của hiệp định. Điều này thường áp dụng cho các sản phẩm nông sản, thủy sản hoặc khoáng sản. Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này cần đảm bảo tất cả các khâu sản xuất diễn ra trong lãnh thổ Việt Nam hoặc các nước thành viên hiệp định.

Trong khi đó, xuất xứ cộng gộp lại là một quy định quan trọng trong các FTA hiện đại như CPTPP và EVFTA, cho phép các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên khác của hiệp định mà vẫn được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác mà không làm mất quyền hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, việc xác định và khai báo xuất xứ cộng gộp đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý nguyên liệu tốt và chính xác.

Cuối cùng, đối với các sản phẩm chế biến hoặc lắp ráp, quy tắc xuất xứ dựa trên quy tắc giá trị gia tăng có thể yêu cầu một tỷ lệ nhất định về giá trị gia tăng phải được tạo ra trong nước. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, ít nhất 40% giá trị của sản phẩm phải được tạo ra tại Việt Nam hoặc các nước thành viên khác của hiệp định. Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp cần phải quản lý chi phí sản xuất một cách cẩn thận và minh bạch.

Chuẩn bị hồ sơ chứng nhận xuất xứ (C/O) đầy đủ và chính xác

Một trong những khó khăn pháp lý phổ biến mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là việc chuẩn bị và cung cấp C/O đầy đủ, chính xác và hợp lệ. C/O là tài liệu pháp lý quan trọng để chứng minh hàng hóa đáp ứng các quy tắc xuất xứ được quy định trong các FTA. Mỗi hiệp định thương mại có mẫu C/O và quy trình cấp riêng, và doanh nghiệp phải đảm bảo rằng các thông tin trên chứng từ xuất xứ không có sai sót, thiếu sót. Một số điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý liên quan đến hồ sơ chứng nhận xuất xứ như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp phải đăng ký chứng nhận xuất xứ tại các cơ quan chức năng được ủy quyền, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phòng quản lý xuất nhập khẩu tại các tỉnh, thành hoặc các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Việc đăng ký đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất, nguồn nguyên liệu và các chi tiết liên quan đến quy tắc xuất xứ. Sai sót trong khâu này có thể dẫn đến việc bị từ chối cấp C/O, hoặc thậm chí bị từ chối hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống lưu trữ và quản lý hồ sơ xuất xứ chặt chẽ, đảm bảo rằng tất cả tài liệu liên quan đến xuất xứ hàng hóa được lưu giữ trong thời gian đủ lâu (thường là 5 năm) để có thể đáp ứng yêu cầu kiểm tra từ cơ quan chức năng khi cần. Trong quá trình kiểm tra sau thông quan, nếu phát hiện vi phạm về chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp có thể bị phạt, thậm chí bị truy thu thuế hoặc mất cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan.

Thứ ba, một số FTA như EVFTA cho phép doanh nghiệp sử dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, nghĩa là doanh nghiệp có thể tự khai báo xuất xứ mà không cần xin cấp C/O từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để sử dụng cơ chế này, doanh nghiệp phải đăng ký vào hệ thống REX (Registered Exporter System) của EU và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác của khai báo xuất xứ. Do đó, việc đào tạo nhân viên và xây dựng hệ thống quản lý nội bộ để theo dõi và đảm bảo tính chính xác của thông tin xuất xứ là rất cần thiết.

Xây dựng hệ thống quản lý xuất xứ và theo dõi chuỗi cung ứng

Để đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ và hưởng các ưu đãi từ FTA, doanh nghiệp cần phải xây dựng hệ thống quản lý xuất xứ và theo dõi chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Đây là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh.

Để làm tốt điều này, đầu tiên, doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống kiểm soát toàn diện đối với quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng. Hệ thống này bao gồm việc theo dõi nguồn gốc của nguyên liệu, quản lý các chi phí sản xuất và giám sát tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tiếp theo, đối với các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là khi sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên khác trong hiệp định, doanh nghiệp cần có hệ thống theo dõi chi tiết chuỗi cung ứng. Điều này bao gồm việc kiểm tra, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu, lưu trữ hóa đơn mua bán và các tài liệu liên quan. Các FTA như CPTPP và EVFTA cho phép cộng gộp xuất xứ giữa các nước thành viên, nhưng điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh được rõ ràng nguồn gốc nguyên liệu và tuân thủ đúng quy định.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, để giảm thiểu sai sót và tăng tính minh bạch, doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý xuất xứ và chuỗi cung ứng. Sử dụng các phần mềm quản lý thông tin chuỗi cung ứng hoặc hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi từng bước của quy trình sản xuất và xuất khẩu, đảm bảo mọi thông tin đều được cập nhật và lưu trữ chính xác. Điều này cũng giúp doanh nghiệp phản hồi nhanh chóng với các yêu cầu kiểm tra từ cơ quan chức năng.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

LS. Nguyễn Văn Phúc - Hồ Trần Phú Lộc(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quy-tac-xuat-xu-bai-toan-can-giai-cho-doanh-nghiep-viet-nam/