Quy trình bầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội dự kiến ngày 22/7 sẽ diễn ra thế nào?
Theo quy định, chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ do HĐND TP Hà Nội bầu, còn chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ do Quốc hội bầu.
Ngày 15/7 vừa qua, ông Trần Sỹ Thanh đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Dù đã được phân công nhiệm vụ mới, quy trình kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với ông Trần Sỹ Thanh cần phải trải qua một số bước theo đúng quy trình được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo dự kiến, kỳ họp ngày 22/7 tới đây, HĐND TP Hà Nội sẽ tiến hành quy trình bầu ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội làm tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trao đổi với Báo Giao thông, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, quy trình bầu tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội với ông Trần Sỹ Thanh được thực hiện căn cứ theo quy định tại Nghị định 08/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 115/2021/NĐ- CP.
"Trong đó, việc bầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện thông qua hình thức bỏ phiếu kín và thực hiện theo quy trình", luật sư Cường nói.
Cụ thể, trình tự, thủ tục bầu Chủ tịch UBND TP trực thuộc Trung ương được thực hiện thông qua các bước sau:
Bước 1, HĐND TP gửi văn bản xin ý kiến để Bộ Nội vụ kiểm tra, báo cáo Thủ tướng về bầu chủ tịch UBND Hà Nội. Sau khi có ý kiến bằng văn bản từ Bộ Nội vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc TW giới thiệu để HĐND cùng cấp bầu chủ tịch UBND.
Bước 2, khi bầu thành viên UBND tại kỳ họp HĐND, nếu có đại biểu HĐND ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được cơ quan có thẩm quyền giới thiệu thì Thường trực HĐND trình HĐND xem xét, quyết định.
Bước 3, thành viên UBND trúng cử khi có quá nửa tổng số HĐND bỏ phiếu tán thành. Trong trường hợp bầu lần đầu nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu tán thành, việc bầu lại hay không bầu lại thành viên UBND ngay trong kỳ họp do chủ tịch HĐND báo cáo HĐND xem xét và quyết định.
Bước 4, HĐND ban hành Nghị quyết về việc bầu thành viên UBND cùng cấp Theo đó, trong 5 ngày làm việc từ ngày HĐND bầu chủ tịch UBND, Thường trực HĐND gửi hai bộ hồ sơ kết quả bầu chủ tịch UBND cùng cấp đến Bộ Nội vụ.
Bước 5, sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ 2 bộ hồ sơ theo quy định, Bộ Nội vụ phải xem xét, thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND.
Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc có sai sót theo quy định thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định có văn bản đề nghị Thường trực HĐND bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc.
Bước 6, sau 5 ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Nội vụ (kèm theo đề nghị của Thường trực HĐND), Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê chuẩn kết quả bầu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Trong trường hợp Thủ tướng chính phủ không phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND TP phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do và yêu cầu HĐND tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn.
Tháng 10/2022 bầu Bộ trưởng Bộ Y tế
Ngày 15/7, bà Đào Hồng Lan được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ điều động giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng thời thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội, việc phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Y tế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm bộ trưởng theo danh sách đề cử. Sau đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với danh sách đề cử theo hình thức bỏ phiếu kín.
Như vậy, việc kiện toàn chức danh Bộ trưởng Y tế với bà Đào Hồng Lan có thể diễn ra vào kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo, điều hành tại Bộ Y tế. Kỳ họp Quốc hội gần nhất sắp tới là kỳ họp thứ 4, dự kiến diễn ra cuối tháng 10.