Quy trình bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo đối với công chức
Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 727/QĐ-BNV liên quan đến các thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ.
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính trong công tác bổ nhiệm
Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định 727/QĐ-BNV công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước mới, được sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ lĩnh vực công chức, viên chức thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ.
Theo đó, Bộ Nội vụ quy định rõ một số yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính trong công tác bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 727/QĐ-BNV liên quan đến các thủ tục hành chính liên quan đến quy trình bổ nhiệm cán bộ. Ảnh minh họa
Cụ thể, thủ tục phải bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, pháp luật và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với nhân sự từ nguồn tại chỗ phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự nguồn từ nơi khác phải được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Công chức và viên chức đều phải có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về tuổi bổ nhiệm, nếu công chức, viên chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm.
Thời điểm tính tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nếu công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ, chức danh đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định như trên. Ngoài ra, công chức, viên chức phải có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
Trình tự thực hiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức
Cụ thể, trình tự thực hiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức gồm Xin chủ trương bổ nhiệm;
Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ gồm 05 bước: Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1); Bước 2: Hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng; Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2); Bước 4: Hội nghị cán bộ chủ chốt; Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 3).
Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác, gồm 03 bước: Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi dự kiến bổ nhiệm về chủ trương bổ nhiệm; Bước 2: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi nhân sự đang công tác về chủ trương bổ nhiệm. Tập thể lãnh đạo nơi nhân sự đang công tác tổ chức lấy phiếu; Bước 3: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan thẩm định về nhân sự và lập tờ trình trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về trình tự thực hiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với viên chức, trình tự gồm xin chủ trương bổ nhiệm.
Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ, gồm 5 bước: Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1); Bước 2: Hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng; Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2); Bước 4: Hội nghị cán bộ chủ chốt; Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 3).
Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác, gồm 3 bước: Bước 1: Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo của cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhân sự về chủ trương bổ nhiệm; Bước 2: Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo nơi nhân sự đang công tác về chủ trương bổ nhiệm; Bước 3: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thẩm định về nhân sự và lập tờ trình trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ, gồm: bổ nhiệm vào ngạch công chức, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự; chuyển ngạch công chức; thi nâng ngạch công chức; xét nâng ngạch công chức; từ chức lãnh đạo, quản lý, xin thôi việc đối với công chức, viên chức.