Quy y Tam bảo là giác ngộ và hướng thiện
GNO - Tôi là người trẻ nhưng có tìm hiểu Phật pháp và rất mến mộ đạo Phật. Thời gian gần đây tôi muốn quy y Tam bảo để chính thức trở thành đệ tử tại gia của Đức Phật. Tôi muốn sống tử tế, lành mạnh và hướng thiện. Dù cuộc sống của tôi có xảy ra một vài biến cố, khá buồn nhưng điều đó lại giúp tôi nhận ra những sự thật về cuộc sống như biến đổi, vô thường, không phải điều gì cũng như ý. Khi biết tôi có ý định quy y Tam bảo thì gia đình có biểu hiện không vui. Tôi muốn đi chùa để học Phật, niệm Phật, tụng kinh, sám hối và sống thiện lành nhưng không biết làm sao để gia đình đồng ý. Mong được quý Báo hướng dẫn và sẻ chia.
(DIỆU NGUYỄN, ngthidi…@gmail.com)
Bạn Diệu Nguyễn thân mến!
Sống ở đời ai cũng cần có nơi nương tựa. Nếu định hướng đúng, tìm được nơi nương tựa tốt thì cuộc sống mới an lành, ổn định và thăng hoa. Có thể xem vật chất và tinh thần là hai lĩnh vực nương tựa quan trọng. Vật chất là yếu tố đầu tiên, những yếu tố giúp cho cuộc sống ổn định, khá giả thì càng tốt. Tinh thần là yếu tố tiếp theo, cực kỳ quan trọng, xác định đúng các giá trị để phát triển nhân cách đạo đức. Mặt khác, nâng cao đời sống tinh thần, từ hiền thiện có thể giúp con người vươn lên thành thánh thiện.
Bạn có duyên lành với đạo Phật, tuổi trẻ mà đã tìm hiểu và nghiên cứu Phật pháp. Giáo pháp là những lời Phật dạy về khổ và con đường vượt thoát khổ đau. Khổ đau (khổ, biến hoại, bất toàn, không như ý) là một sự thật, là chân lý khách quan. Con người cần nhận ra và chấp nhận sự thật này để có những ứng xử thích hợp. Bạn đã trải qua một số biến động trong cuộc sống, dù không vừa ý nhưng đó là cơ hội tuyệt vời để mình nhận ra sự thật. Chúng ta có quyền mong ước về mọi sự tốt đẹp nhưng không hề ảo tưởng. Trải nghiệm về thực tế đời sống với nhiều biến động là một trong những kinh nghiệm đầu tiên về giác ngộ.
Cuộc sống như đại dương, Phật pháp là con tàu giúp ta lênh đênh, an toàn trên biển cả để đến bờ. Có nhiều loại tàu thuyền, bạn chọn con tàu Tam bảo để bước lên, đó là nhân duyên. Quy y Tam bảo là nguyện quay về nương tựa ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Phật là Đức Phật Thích Ca (bậc Giác ngộ), Pháp là lời dạy của Ngài (con đường giác ngộ), Tăng là đệ tử xuất gia của Phật (đang thực hành con đường giác ngộ). Từ quy y Tam bảo bên ngoài, người Phật tử hướng về nương tựa Tam bảo bên trong, đó là phát huy ba đức tính sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định), trong sạch (giới).
Quy y Tam bảo là bước ngoặt, định hướng sống quan trọng của đời người. Chỉ cần giữ năm giới (không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện), sống với mười điều thiện là Phật tử chân chính, là công dân mẫu mực, là người tốt. Một người nguyện sống theo lời Phật là phúc phần cho cá nhân ấy và toàn xã hội. Nên gia đình cần hiểu rõ những giá trị cao quý của pháp quy y Tam bảo để hỗ trợ. Xã hội cần tán thán những người biết buông bỏ, hỷ xả và sống thiện lành.
Khổ đau có nguồn gốc từ tham ái và vô minh. Giảm tham ái thì bớt khổ, xóa tan vô minh thì hết khổ. Người Phật tử chân chính, biết nương tựa vào Tam bảo bên ngoài và phát huy Tam bảo bên trong thì chắc chắn đời sống sẽ ổn định và hạnh phúc, thân tâm an lạc. Phát triển vật chất rất quan trọng nhưng thăng hoa tinh thần quan trọng hơn. Tâm như thế nào sẽ nhìn ra thế giới như thế ấy. Tâm giác ngộ, thức tỉnh sẽ nhận diện rõ ràng hơn về chính mình và thế giới xung quanh. Mọi thứ đều biến động nên không cố nắm giữ. Nhân quả rất phân minh nên không làm điều ác. Mọi sự do duyên mà sinh diệt, chẳng có ai chi phối nên không lệ thuộc vào thần linh. Thấy rõ thân tâm này trống rỗng nên không chấp thủ, tùy duyên vô ngại.
Sống thăng bằng trong cuộc đời biến động với tuệ giác sáng ngời là giác ngộ, là giải thoát, là tử tế, là thiện lành. Bạn đã trưởng thành, có quyền tự quyết cho định hướng sống của mình. Gia đình ủng hộ thì tốt, nếu chưa thì bạn hãy chứng minh và cảm hóa dần thông qua đời sống an lạc hiện thực của chính mình.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/quy-y-tam-bao-la-giac-ngo-va-huong-thien-post75448.html