Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kêu gọi hỗ trợ xây cầu tại Hà Giang, các đơn vị ủng hộ hơn 4,7 tỷ đồng

Sau khi trao trực tiếp số tiền 2 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng cầu Tân Điền tại tỉnh Hà Giang, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí để cây cầu này sớm được xây dựng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại địa phương đi lại.

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại cầu Tân Điền, tỉnh Hà Giang vào ngày 15/9

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại cầu Tân Điền, tỉnh Hà Giang vào ngày 15/9

Đến 16 giờ ngày 16/9, theo thống kê sơ bộ đã hơn 4,7 tỷ đồng của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ủng hộ để xây dựng cầu Tân Điền tại tỉnh Hà Giang theo lời kêu gọi của Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Như vậy, cùng với 2 tỷ đồng mà đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng trao trực tiếp tại tỉnh Hà Giang thì đến hiện tại tổng số tiền ủng hộ để xây dựng cầu Tân Điền đã được hơn 6,7 tỷ đồng.

Theo đồng chí Thào Hồng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang, cầu sắt Tân Điền hiện tại là cây cầu độc đạo dẫn từ Quốc lộ 279 vào xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang. Hiện, cầu sắt này đã bị đứt 1 dây văng, hư hỏng rất nặng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua đây.

Cũng theo đồng chí Sơn, dự kiến sau khi được xây dựng mới, cầu Tân Điền sẽ được mang tên cầu Lâm Đồng.

Trước đó, sáng 15/9, khi cùng đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng đến hỗ trợ đồng bào vùng lũ ở tỉnh Hà Giang, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm đã thống nhất ủng hộ trước mắt 2 tỷ đồng và kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng để xây dựng lại cầu Tân Điền.

Tại buổi trao kinh phí hỗ trợ xây cầu và khắc phục hậu quả bão lũ với tổng số tiền 4 tỷ đồng cho tỉnh Hà Giang, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học chia sẻ những khó khăn, mất mát về người và tài sản do thiên tai gây ra đối với tỉnh Hà Giang.

Hiện trạng cầu Tân Điền do phóng viên Báo Hà Giang chụp vào chiều 16/9

Hiện trạng cầu Tân Điền do phóng viên Báo Hà Giang chụp vào chiều 16/9

Đồng chí nhấn mạnh, Lâm Đồng và Hà Giang là 2 tỉnh kết nghĩa, những khó khăn, mất mát của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng là những khó khăn, mất mát của tỉnh Lâm Đồng.

Đồng chí mong muốn 2 tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ nhau lẫn nhau để cùng phát triển trong thời gian tới.

Những năm 60 của thế kỷ trước, nhằm động viên quân dân miền Bắc thi đua lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ở miền Bắc đã xuất hiện nhiều phong trào yêu nước, trong đó có phong trào kết nghĩa Bắc - Nam xuất hiện đầu tiên giữa tỉnh Hà Nam và tỉnh Biên Hòa.

Sau thời gian ngắn, phong trào đã bùng khắp miền Bắc và đã có nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc kết nghĩa với tỉnh, thành phố ở miền Nam. Hưởng ứng phong trào kết nghĩa thắm tình đoàn kết đó, ngày 1/9/1960, tỉnh Hà Giang địa đầu cực Bắc của Tổ quốc cũng đã kết nghĩa với tỉnh Lâm Đồng.

Hiện trạng cầu Tân Điền do phóng viên Báo Hà Giang chụp vào chiều 16/9

Hiện trạng cầu Tân Điền do phóng viên Báo Hà Giang chụp vào chiều 16/9

Sau khi kết nghĩa, hai tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng đã hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, khẳng định sự đoàn kết, gắn tình keo sơn. Từ mảnh đất Hà Giang biên cương, bà con các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, của cách mạng đã hành quân vào Lâm Đồng vừa xây dựng kinh tế mới, vừa củng cố, bổ sung lực lượng cho cách mạng miền Nam, để cùng với anh em các dân tộc Lâm Đồng bảo vệ, chiến đấu, giải phóng tỉnh Lâm Đồng và sau này là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng sau ngày kết nghĩa giữa 2 tỉnh, tại huyện Bảo Lộc nay là TP Bảo Lộc, nhiều địa danh được mang tên Hà Giang như: Nông trường chè Hà Giang, đường Hà Giang và Khu đô thị mới Hà Giang. Ở căn cứ cách mạng chống Mỹ của huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, những năm sau ngày giải phóng miền Nam đã thành lập HTX Hà Lâm được ghép tên kết nghĩa giữa tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng.

Hiện trạng cầu Tân Điền do phóng viên Báo Hà Giang chụp vào chiều 16/9

Hiện trạng cầu Tân Điền do phóng viên Báo Hà Giang chụp vào chiều 16/9

Ở Hà Giang, một số địa danh của tỉnh mang tên Lâm Đồng cũng được hình thành như con đường Lâm Đồng nằm giữa lòng TP Hà Giang xinh đẹp, văn minh và hiện đại.

Bên cạnh con đường mang tên Lâm Đồng, ở Hà Giang còn một số địa danh như: Hợp tác xã mang tên Lâm Đồng và đặc biệt là Công trường Lâm Đồng mở đường Bắc Quang đi huyện Hoàng Su Phì.

Hơn 60 năm kết nghĩa giữa 2 tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng, những chuyến thăm, làm việc giữa lãnh đạo 2 tỉnh trong những năm vừa qua, đặc biệt là chuyến công tác do đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học làm trưởng đoàn đến trao kinh phí hỗ trợ tỉnh Hà Giang khắc phục hậu quả thiên tai và xây dựng lại cầu Tân Điền mới, càng khẳng định thêm mối quan hệ thân thiết, gắn bó sâu sắc, chân tình của hai địa phương, để cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, phát triển du lịch và hướng tới tương lai.

PV

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202409/quyen-bi-thu-tinh-uy-lam-dong-keu-goi-ho-tro-xay-cau-tai-ha-giang-cac-don-vi-ung-ho-hon-4-ty-dong-ac41f90/