Quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn
Khi còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm cá nhân thì rất dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong điều hành nền hành chính
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, gần như cứ mỗi tháng, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) lại họp xem xét việc thi hành kỷ luật cán bộ. Khác với trước, nay nhờ có chủ trương công khai "không có vùng cấm" nên nhân dân biết rất rõ mức kỷ luật của tổ chức, cá nhân vi phạm.
Không có trách nhiệm chung chung
Bao giờ trong kỷ luật, UBKTTƯ cũng đề cập trách nhiệm ông A, B, C... Điều này như một thông điệp cho bắt đầu một thời kỳ đề cao trách nhiệm cá nhân. Nói về trách nhiệm, dù là trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm chính trị, trách nhiệm cơ quan hành chính... chung quy vẫn là trách nhiệm trước nhân dân.
Có người nói ông A, ông B là chính khách nên chỉ chịu trách nhiệm chính trị, còn những việc xảy ra ở đơn vị mà ông ta quản lý thì do cấp dưới làm. Thật ra, quyền lực là của nhân dân, nhà nước là của nhân dân, thay mặt nhân dân ủy thác cho người phụ trách cơ quan, đơn vị cụ thể. Cho nên, khi chuyện xảy ra ở đơn vị đó, gây thiệt hại đến lợi ích của nhân dân thì người được ủy thác phải chịu trách nhiệm.
Đã từng có vị bộ trưởng, khi Quốc hội chất vấn về trách nhiệm đã để xảy ra nhiều chuyện bê bối ở bộ này, đã trả lời đại ý "đã kiểm điểm trách nhiệm với UBKTTƯ, kết luận của ủy ban đến đâu tôi chịu trách nhiệm đến đó". Điều này đồng nghĩa với việc đã từ chối trả lời về trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội do dân bầu ra.
Cần nhớ là không có thứ chính trị chung chung mà hoạt động nào của bộ máy nhà nước, của cơ quan công quyền cũng tác động đến công dân, đều có thể coi là chính trị. Khác chăng là ở chỗ điều đó được lòng dân (đạt mục đích chính trị) hay mất lòng dân (phản chính trị) mà thôi.
Gần đây, các vụ cán bộ, công chức vi phạm pháp luật ngày càng được phát hiện nhiều hơn. Điều này là rất tốt. Nhưng vẫn còn ít vụ chỉ thẳng người phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm, mà vẫn chung chung rằng do cơ chế, do tập thể? Nguyên nhân là do còn tình trạng nể nang, thái độ chưa cương quyết, luật pháp chưa nghiêm minh và có cả sự can thiệp, bao che từ nhiều phía...
Chưa rõ ràng, khó xác định
Thực trạng bộ máy hành chính của nước ta hiện còn chồng chéo về thẩm quyền. Việc phân công, phân nhiệm trong nhiều trường hợp vẫn chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho việc xác định rõ pháp nhân, thể nhân (công chức) nào chịu trách nhiệm trong các sai phạm.
Một khi chế độ trách nhiệm không rõ ràng thì sẽ rất khó khi cần quy trách nhiệm. Nguyên lý kết hợp giữa quản lý ngành và quản lý lãnh thổ khi chưa được luật hóa và quy định cụ thể cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm trong điều hành nền hành chính. Điều này gây không ít cản trở trong việc quy trách nhiệm cá nhân khi xem xét kỷ luật, kể cả khi xét xử các vụ án hành chính.
Nguyên tắc "Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành..." là rất khoa học nhưng do có nơi này nơi kia chưa đổi mới phong cách lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, chưa phân biệt giữa lãnh đạo và điều hành... nên cũng là những cản trở lớn trong việc quy trách nhiệm. Luật pháp về cán bộ, công chức và cả hệ thống văn bản pháp luật vận hành nền hành chính cũng chưa làm rõ thế nào là lỗi công vụ, lỗi ngoài công vụ, trách nhiệm do lỗi, trách nhiệm không do lỗi...; chưa phân biệt các hành vi trong hoạt động công vụ thì rất khó để xử lý sai phạm cho thực sự nghiêm minh đúng nghĩa.
Hoạt động quản lý hành chính rất đa dạng. Xu hướng hoạt động quản lý hành chính sẽ ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp hơn. Chính vì vậy, quy định luật pháp nếu không được bổ sung, phát triển thì sẽ bất cập, dẫn đến tình trạng có nhiều quyết định hành chính gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của người dân nhưng cũng rơi vào tình trạng "chìm xuồng".
Trong thực tiễn, khi nói đến một người quyền cao chức trọng, người ta thường nói người đó giữ trọng trách. Cách nói như vậy chứa đựng một thông điệp hiển nhiên, rằng quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn, không thể thoái thác.
“Không phải mọi người sinh ra là đã có lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp cả. Lý tưởng, phẩm chất cách mạng chỉ có thể được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng, trong sản xuất, chiến đấu và tu dưỡng” - LÊ DUẨN
Cần những hình thức bổ trợ
Hoạt động hành chính nhà nước luôn phức tạp về tính chất, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, sâu sắc về mặt triết lý và luôn biến đổi, vận động để phù hợp với bối cảnh hành chính nên pháp luật khó theo kịp, khó phản ánh và điều chỉnh đầy đủ. Chính vì vậy, rất cần những hình thức khác để bổ trợ. Ví dụ, cần án lệ để bổ khuyết cho Luật Hành chính, cho hoạt động của tòa án hành chính.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/quyen-cang-cao-trach-nhiem-cang-lon-20190721212015884.htm