Quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng Việt Nam
Hôm qua (10-12), đánh dấu 71 năm Ngày nhân quyền thế giới. Quyền con người, đó là giá trị phổ quát và tất cả người dân các quốc gia trên thế giới đều mong muốn được bảo đảm. Quyền con người có được như ngày nay cũng chính là thành quả đấu tranh của các dân tộc, trong đó có quyền dân tộc tự quyết - là quyền được nêu lên đầu tiên trong hầu hết tất cả các điều ước quốc tế.
Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai do chủ nghĩa phát xít gây ra đã làm chết hàng trăm triệu người. Những tổn thất lớn lao mà cuộc chiến tranh gây ra đã thức tỉnh nhân loại về một nhiệm vụ chung, đặc biệt của các dân tộc là bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền con người.
Ngay sau khi Liên hợp quốc (LHQ) được thành lập (tháng 10-1945), công việc soạn thảo một văn kiện về quyền con người đã được Đại hội đồng LHQ quyết định triển khai. Sau 2 năm (1947-1948), văn kiện đã hoàn thành. Ngày 10-12-1948, bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng LHQ thông qua. Ngày 4-12-1950, LHQ đã chính thức lấy ngày 10-12 hằng năm là “Ngày nhân quyền” thế giới. Cho đến nay hầu hết các nước trên thế giới đều kỷ niệm ngày này.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc mà còn là một trí tuệ lớn của nhân loại. Ngay từ khi 12, 13 tuổi, Nguyễn Ái Quốc đã cảm nhận được các giá trị cơ bản của quyền con người, đó là tự do, bình đẳng, bác ái. Khi đến tuổi thanh niên, Người đã quyết định đi đến tận nơi sản sinh ra những giá trị đó, trong đó có Pháp, Hoa Kỳ… để tìm hiểu bản chất của những tư tưởng lớn đó là gì. Trong hành trình gần 10 năm (1911-2020), Người còn chứng kiến những mặt trái của quyền con người ở những nước thuộc địa, ở châu Á, châu Phi và ở chính các nước TBCN.
Bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố vào ngày 2-9-1945 đã thể hiện sâu sắc những giá trị của quyền con người. Tư tưởng đặc sắc của Tuyên ngôn là ở chỗ, các quyền công dân và quyền con người phải dựa trên độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, các Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp 2013, các quyền con người và quyền công dân được quy định và thể hiện rõ nét.
Trong những thập kỷ gần đây, quyền con người đã có sự phát triển mới, đồng thời quyền con người đã trở thành một lĩnh vực đấu tranh tư tưởng, chính trị trên thế giới và ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh này xoay xung quanh vấn đề quyền con người với chế độ chính trị.
Các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc giá trị quyền con người, chúng cho rằng quyền con người không thể có trong chế độ “độc tài đảng trị”, không thể gắn với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Chúng quy kết các vấn đề tham nhũng, các hiện tượng tiêu cực, suy thoái trong xã hội là do Việt Nam mất tự do dân chủ, mất nhân quyền, quy kết các tồn tại này là hệ quả của chế độ XHCN mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang “thống trị”. Một mặt, chúng tung hô những giá trị tự do, dân chủ, cho rằng chính CNTB mới đem lại tự do, đem lại dân chủ cho người dân, Việt Nam muốn có tự do, dân chủ, muốn đảm bảo quyền con người thì phải đi theo quỹ đạo tư bản, phải xóa bỏ Đảng Cộng sản...
Luận điệu xuyên tạc, thù địch này không mới nhưng chúng nhai đi, nhai lại hòng tạo ra nếp nghĩ, định kiến trong tư tưởng con người, từ đó chúng tìm cách xuyên tạc, tuyên truyền phỉ báng với mọi thủ đoạn, phương thức khác nhau.
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, đi theo con đường xã hội XHCN, các quyền công dân và quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm. Cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập, ký kết hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có hai công ước cơ bản quy định đầy đủ các quyền con người, đó là Công ước về các quyền dân sư, chính trị năm 1966; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966. Những chuẩn mực quốc tế về quyền con người đã được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật quốc gia. Trong đó, quyền tự do ngôn luận báo chí đã được quy định đầy đủ trong Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhiều người nước ngoài đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam đều khẳng định, môi trường chính trị, xã hội ở Việt Nam là ổn định, con người Việt Nam cởi mở, giá cả các dịch vụ ăn ở, internet, điện thoại… đều rẻ hơn nhiều quốc gia. Vừa qua, Ngân hàng HSBC - tổ chức ngân hàng uy tín hàng đầu thế giới đã xếp hạng hơn 100 quốc gia năm 2019.
Kết quả này dựa trên phản hồi của hơn 18.000 người nước ngoài đến sống ở 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được xếp ở thứ 10 với các tiêu chí như nơi dễ thiết lập cuộc sống mới, nền kinh tế ổn định, cơ hội thăng tiến sự nghiệp tốt, đặc biệt là yếu tố cân bằng cuộc sống khá cao và cuối cùng là cuộc sống của người dân khá tốt.
Những luận điệu phủ nhận quyền con người của Việt Nam mà các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất đã và đang phát tán trên mạng, cho rằng ở Việt Nam quyền con người bị o ép, đe nẹt, không có quyền tự do ngôn luận, báo chí, không có tự do internet, mạng xã hội... đều là những luận điệu trái với sự thật. Nhà nước Việt Nam bảo đảm các quyền con người nhưng cũng như các nước trên thế giới, quyền đó phải trong biên độ cho phép, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Việc hạn chế lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do internet… là phù hợp với quan niệm chung của cộng đồng quốc tế và quy định luật pháp các quốc gia.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng không được làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, không được xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, các quyền và lợi ích của người khác.
Ở Việt Nam, mức sống của đại bộ phận người dân được nâng cao đáng kể, các dịch vụ xã hội ngày càng phát triển, nhất là dịch vụ dựa trên internet, mạng xã hội. Theo một thống kê, năm 2019, đã có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017.
Về mạng xã hội, cho đến năm 2019 đã có tới 58 triệu người dùng trên thiết bị di động, con số này tăng đến 8 triệu người dùng so với cùng kỳ năm 2017. Số người dùng thuê bao điện thoại đã được đăng ký lên tới 143,3 triệu người.
Không phủ nhận rằng, việc bảo đảm quyền con người của chúng ta còn những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, mức sống chưa cao, nhiều nơi đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn, sự phân hóa giàu - nghèo có khuynh hướng gia tăng, xuất hiện những “nhóm lợi ích”; tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đang diễn biến phức tạp…
Tuy nhiên, không thể phủ nhận xã hội Việt Nam đã có một khuôn mặt mới, diện mạo mới mà đặc trưng của nó là tính dân chủ ngày càng được nâng cao. Điều này thể hiện rất rõ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, chẳng hạn như tại các kỳ họp Quốc hội, những vấn đề bức xúc của người dân đều được nêu lên để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Các phiên họp Chính phủ được thảo luận, làm rõ các mặt ưu điểm, tồn tại, hạn chế và giải pháp, sau phiên họp đều tổ chức họp báo, đại diện các cơ quan thuộc Chính phủ sẵn sàng trả lời các vấn đề báo chí, dư luận quan tâm.
Có thể nói, từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được thành lập đến nay, các quyền công dân và quyền con người không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp và luật mà đã trở thành hiện thực của cuộc sống, trở thành một mục tiêu và động lực phát triển của cách mạng Việt Nam.