Quyền được sạc xe điện
Cấm sạc xe điện ở một số tòa nhà chung cư là cách phản ứng có tính chất 'lệ làng', đặt ra vấn đề quyền được sạc xe điện và trách nhiệm của người làm quy hoạch hạ tầng.
Xe điện xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm qua và nhanh chóng phát triển. Từ các loại xe máy, xe đạp điện nhập khẩu giản đơn chục năm trước, cho đến nay, Việt Nam đã sản xuất ô tô điện, xuất khẩu ra thế giới.
So với các ngành khác phát triển nhiều thập kỷ vẫn chưa xứng tầm, có thể nói ngành sản xuất xe điện Việt Nam đã thực sự "đi tắt đón đầu", giúp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, vị thế pháp lý của loại phương tiện này, nhất là hạ tầng dành cho nó chưa tương xứng, bản thân sản phẩm xe điện đôi lúc bị ngờ vực về độ rủi ro.
Câu chuyện ban quản trị một số tòa nhà chung cư cấm sạc xe máy điện là một ví dụ.
Sau vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra ở Khương Đình (Hà Nội), một số tòa nhà chung cư ở Hà Nội đã đưa ra quy định chặt chẽ hơn trong việc sạc xe điện.
Sau vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra ở Khương Đình (Hà Nội), mặc dù cơ quan công an kết luận nguồn cháy bùng phát từ một xe máy tay ga, không phải do xe điện, nhưng một số tòa nhà chung cư ở Hà Nội, Nghệ An vội vã thông báo không cho người dân sạc xe điện trong khu vực giữ xe.
Mặc dù những quyết định hấp tấp như vậy nhanh chóng bị cơ quan chức năng "tuýt còi" do thiếu cơ sở pháp lý, nhưng vấn đề đằng sau là quyền được sạc xe điện chưa được bảo hộ, chủ nhà muốn cấm là cấm.
Trên thế giới, quyền được sạc xe điện đã luật hóa ở nhiều nước, nằm trong lộ trình hoàn thiện chính sách, thực hiện cam kết chính phủ chống biến đổi khí hậu.
Đơn cử tại Anh, chủ dự án phải lắp đặt các điểm sạc cho xe điện tại các tòa nhà mới xây kể từ năm 2022. Luật cũng quy định, các siêu thị, văn phòng làm việc và các tòa nhà đang trong quá trình cải tạo lớn phải bổ sung thêm các điểm sạc xe điện.
Tại Nhật Bản, thẩm quyền bắt buộc mở rộng điểm sạc cho xe điện thuộc về chính quyền các địa phương. Như thành phố Tokyo yêu cầu mọi chung cư mới xây bắt buộc phải có điểm sạc, phải dành tối thiểu 20% số vị trí đậu xe làm điểm sạc.
Tại Mỹ, đã có 10 tiểu bang thông qua đạo luật về quyền sạc điện (Right To Charge). Như bang Connecticut quy định, các tòa nhà mới xây có chi phí lớn hơn 100.000 USD phải lắp đặt các trạm sạc EV mức 2 ở tối thiểu 20% chỗ đậu xe. Còn các tòa nhà thương mại hoặc chung cư mới có ít nhất 30 chỗ đậu xe phải có khả năng hỗ trợ các trạm sạc nhanh ở 10% không gian đỗ xe đó.
Tại Việt Nam, xe điện nói chung được xếp vào nhóm phương tiện cơ giới đường bộ, được đăng ký đăng kiểm theo quy định chung. Ô tô điện được miễn lệ phí trước bạ đến năm 2025 theo chính sách ưu đãi nhưng vẫn phải đăng ký cấp biển số, tức là thuộc diện động sản được Nhà nước quản lý, bảo hộ.
Tuy nhiên, đến nay hạ tầng của loại phương tiện mới này vẫn ở vị thế bấp bênh, khi các công trình mọc lên không có chỗ để sạc điện.
Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị 2020 yêu cầu: "Đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; bảo đảm sự kết nối, thống nhất giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và sự liên thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế".
Bởi vậy, một quy định cụ thể về nơi cắm sạc cho xe điện cần sớm được ban hành, nhằm đáp ứng quyền được sạc xe điện. Đó cũng là đòi hỏi bức thiết từ thực tế cuộc sống.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quyen-duoc-sac-xe-dien-192231005212014543.htm