Quyền hưởng dụng và quyền bề mặt trong BLDS 2015
Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 có hai chế định hoàn toàn mới mà trước đây BLDS 2005 không quy định, đó là quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. Đây là hai trong ba quyền khác đối với tài sản quy định tại BLDS 2015.
Quyền tài sản bao gồm quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, thế nhưng quyền khác đối với tài sản không được đề cập nhiều tại BLDS 2005, mãi đến khi BLDS 2015 được ban hành thì nội dung về quyền khác đối với tài sản mới được quy định phân loại một cách rõ nét. Đó là: Quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. Quyền đối với bất động sản liền kề nghe có vẻ mới mẻ, nhưng thực chất không phải là quy định mới, bởi nó tập hợp các quy định liên quan tại nội dung quy định khác về quyền sở hữu bằng một cái tên mới, đó là quyền đối với bất động sản liền kề.
Còn quyền hưởng dụng và quyền bề mặt là quyền khác đối với tài sản vừa mới được công nhận tại BLDS 2015. Được quy định tại Điều 257 BLDS 2015, quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Có thể hiểu quyền của người được nắm giữ, sử dụng tài sản nhưng họ không có quyền định đoạt tài sản đó, có nghĩa là người này không phải là chủ sở hữu. Tuy nhiên, quyền hưởng dụng thường bị nhầm lẫn bởi có nội dung tương đồng với hợp đồng thuê khoán tài sản, bởi hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê (Điều 483 BLDS 2015).
Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng: Được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc (Điều 258 BLDS 2015). Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác (Điều 259 BLDS 2015).
Việc ghi nhận quyền hưởng dụng tại BLDS 2015 tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn như việc hưởng dụng đất ở Việt Nam hiện nay có thể truyền lại cho người thừa kế, nếu không thực hiện trong khoảng thời gian liên tục quá 10 năm thì đó là lý do chấm dứt quyền hưởng dụng để đảm bảo không lãng phí tài sản xã hội và coi như người có quyền hưởng dụng không có nhu cầu hưởng dụng.
Đồng thời, việc ghi nhận này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu dân sự trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Qua đó, đảm bảo tốt hơn cho tài sản trong giao lưu dân sự được tối đa hóa giá trị không chỉ bởi chủ sở hữu mà còn bởi cả người không phải là chủ sở hữu, hạn chế được rủi ro pháp lý, giữ được sự ổn định của các quan hệ dân sự và các quan hệ khác có liên quan. Như vậy, có thể thấy, quyền hưởng dụng là quyền được ghi nhận tách bạch riêng biệt với quyền sở hữu, chủ thể hưởng dụng không phải là chủ sở hữu.
Cũng như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt cũng là một chế định mới được quy định tại Điều 267 BLDS 2015. Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Căn cứ xác lập quyền bề mặt: Được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc (Điều 268 BLDS 2015).
Quyền bề mặt có hiệu lực từ thời điểm chủ thể có quyền sử dụng đất chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Quyền bề mặt có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác (Điều 269 BLDS 2015). Nói tóm lại, chủ thể hưởng quyền bề mặt và chủ thể sử dụng đất là 2 người khác nhau.
Khác với quyền hưởng dụng là được khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác tài sản hưởng dụng, chủ thể quyền bề mặt chỉ có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác, nhưng không được trái quy định pháp luật.
Nội dung của quyền bề mặt được quy định tại Điều 271 BLDS 2015, theo đó: Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của pháp luật và có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập. Trường hợp quyền bề mặt được chuyển giao một phần hoặc toàn bộ thì chủ thể nhận chuyển giao được kế thừa quyền bề mặt theo điều kiện và trong phạm vi tương ứng với phần quyền bề mặt được chuyển giao. Quyền bề mặt chấm dứt trong trường hợp: Thời hạn hưởng quyền bề mặt đã hết; Chủ thể có quyền bề mặt và chủ thể có quyền sử dụng đất là một; Chủ thể có quyền bề mặt từ bỏ quyền của mình; Quyền sử dụng đất có quyền bề mặt bị thu hồi theo quy định của Luật Đất đai; Theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của luật (Điều 272 BLDS 2015).
Việc ghi nhận quyền bề mặt trong BLDS 2015 có tác động tích cực để các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các loại tài sản trong xã hội không bị đóng băng mà ngược lại luôn được tham gia lưu thông kinh tế, được sử dụng một cách hiệu quả và tiết kiệm. Bên cạnh đó, với quy định này, sẽ giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết như xử lý tài sản trên đất trong trường hợp thu hồi đất khi hết thời hạn thuê đất; tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.