Quyền lợi phải gắn liền với trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 16/5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí cho rằng, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là công tác có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, từ khâu hoạch định chính sách, soạn thảo văn bản cho đến tổ chức thi hành đang gặp không ít khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị thiếu cơ chế chủ động về tài chính, nhân sự; không có đủ điều kiện đãi ngộ xứng đáng cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật; việc thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức giỏi còn bị bó hẹp trong khuôn khổ cứng nhắc; ứng dụng công nghệ vào quy trình xây dựng pháp luật còn chậm so với yêu cầu đổi mới.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), chính đây là lý do để Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các cơ chế, chính sách đột phá để tổ chức, thi hành pháp luật được tốt hơn; đồng thời, điều chỉnh lại tên gọi, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết là tập trung vào một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật.

Đại biểu cũng đề nghị, bổ sung thêm các đối tượng được hưởng cơ chế như các ban của Hội đồng nhân dân, công chức văn phòng tham mưu, giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh và cấp xã…

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho ý kiến về nội dung dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho ý kiến về nội dung dự thảo nghị quyết.

Việc áp dụng cơ chế khoán chi tại Điều 5 trong công tác xây dựng pháp luật là một chủ trương đúng, góp phần nâng cao tính chủ động, tiết kiệm và hiệu quả sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, cần quan tâm đến nhóm cán bộ, công chức, viên chức không trực tiếp tham gia nhưng đảm nhiệm các công việc hỗ trợ quan trọng như lễ tân, hậu cần kỹ thuật, tài vụ, truyền thông, giám sát. Đại biểu cho rằng, nhóm này tuy không tham gia trực tiếp vào nội dung chính sách nhưng đóng vai trò thiết yếu trong bảo đảm tiến độ, điều kiện tổ chức và chất lượng của các hoạt động xây dựng pháp luật.

Đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, việc này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho ý kiến về nội dung dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho ý kiến về nội dung dự thảo nghị quyết.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu đề nghị, cùng với cơ chế đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, cần thể chế hóa Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Theo đó, cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng lạm dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, bảo vệ Đảng viên, cán bộ, công chức viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Về trách nhiệm của các đối tượng được hưởng chính sách này, đại biểu nhận thấy, chính sách theo nghị quyết rất thỏa đáng, nhằm tạo động lực làm việc tinh thần khách quan, liêm chính, phát triển hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn giúp phát huy nguồn lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đại biểu nhấn mạnh, quyền lợi phải gắn với trách nhiệm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm điểm này. Đại biểu nêu ví dụ, thời gian qua, hoạt động xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ lớn thường xuyên của Đoàn ĐBQH tỉnh nhưng khi Đoàn tổ chức lấy ý kiến các dự án luật, hầu như các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn đều cơ bản thống nhất với dự thảo luật. Nhưng khi luật ban hành thực hiện lại phát sinh vướng mắc và đổ lỗi là không sát với thực tế. Do vậy, phải quy định trách nhiệm của các đối tượng được thụ hưởng chính sách này.

Nhật Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quyen-loi-phai-gan-lien-voi-trach-nhiem-trong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-i768594/