Quyền lực mềm 'có tiền cũng không mua được' của Hoàng gia Anh: Từ Nữ hoàng Elizabeth II tới Vua Charles III

Những năm qua, quyền lực mềm của Vương quốc Anh được định hình rõ nét nhờ hàng loạt nỗ lực ngoại giao của cố Nữ hoàng Elizabeth II và sẽ chứng kiến nhiều chuyển biến mới khi Vua Charles III trị vì.

Vua Charles III bên chiếc bánh đặc biệt dành tặng ông ở làng sinh thái Brodowin trong chuyến thăm Đức, ngày 30/3. (Nguồn: Reuters)

Vua Charles III bên chiếc bánh đặc biệt dành tặng ông ở làng sinh thái Brodowin trong chuyến thăm Đức, ngày 30/3. (Nguồn: Reuters)

Nhà sử học Alice Hunt chia sẻ trên Tờ HistoryExtra rằng các đời Hoàng gia Anh trước đây thường nhấn mạnh vị thế của họ như biểu tượng quốc gia và đại diện cho chế độ quân chủ.

Nhận xét này hoàn toàn xác đáng bởi khi nhìn vào chiều dài phát triển của chế độ quân chủ Anh, những người đứng đầu Hoàng gia luôn chú trọng vận dụng và phát huy quyền lực mềm nhằm củng cố vị thế đất nước.

Di sản lớn của cố Nữ hoàng Elizabeth II

Nữ hoàng Elizabeth II là người tại vị lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh, đồng thời là quân vương trị vì lâu nhất thế giới. Bà chính thức đăng quang vào ngày 6/2/1952 và hành trình cầm quyền của Nữ hoàng Elizabeth II được ví với hai từ phi thường, bởi Nữ hoàng đã chứng kiến chặng đường vươn lên thành thế lực toàn cầu của nước Anh trong hơn 70 năm.

Xuyên suốt thời gian trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã bổ nhiệm tổng cộng 15 Thủ tướng Anh và gặp 14 Tổng thống Mỹ.

Ở tuổi 14, bà Elizabeth II lần đầu tiên tham gia chương trình phát thanh của kênh BBC's Children's Hour vào năm 1940. Trong đó, bà đã truyền đi thông điệp ủng hộ những công dân và trẻ em rơi vào tình cảnh đau thương tại chiến trường châu Âu.

Không chỉ vậy, trong Thế chiến II, bà còn thuyết phục cha mình cho phép nhập ngũ để phụng sự đất nước. Bà đã trở thành người đầu tiên và cũng là nữ thành viên đầu tiên của Hoàng gia Anh gia nhập lực lượng quân đội, được đào tạo về cơ khí ô tô, nhận nhiệm vụ lái xe cho lực lượng nước Anh thời chiến.

Có thể thấy, việc hoạt động năng nổ trong thời chiến đã khắc họa một hình ảnh gần gũi, bình dân của Nữ hoàng Elizabeth II trong mắt công chúng và giúp bà nhận được thái độ ủng hộ tích cực từ cộng đồng quốc tế.

Ở trong nước, Nữ hoàng Elizabeth II là biểu tượng của truyền thống lịch sử và là đại diện chính yếu cho niềm tự hào dân tộc Anh. Đồng thời, bà cũng thành công trong việc gây dựng bầu không khí thiện cảm giữa Hoàng gia và chính quyền thế tục nhờ thái độ trung lập về chính trị của mình.

Trên trường quốc tế, Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ của 14 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung trải dài trên khắp châu Á-Thái Bình Dương và Caribe. Trên thực tế, bà đã thực hiện hơn 200 chuyến thăm tới các thành viên Khối thịnh vượng chung và luôn cố gắng thúc đẩy trao đổi văn hóa-lịch sử, củng cố chiều sâu tin cậy giữa các bên.

Lễ đăng quang của Vua Charles III là cú hích cho nền kinh tế Anh. (Nguồn: Reuters)

Lễ đăng quang của Vua Charles III là cú hích cho nền kinh tế Anh. (Nguồn: Reuters)

Nhiều kỳ vọng vào vương triều mới

Có thể thấy, lễ đăng quang của Vua Charles III không chỉ là sự kiện hết sức trọng đại đối với truyền thống lịch sử Anh, mà hơn hết, việc lên ngôi của Nhà vua còn mở ra triển vọng củng cố quyền lực mềm của nước này trên trường quốc tế.

Thừa kế di sản đối ngoại của cố Nữ hoàng Elizabeth II, Vua Charles III đã và đang tích cực thi hành đối sách ngoại giao nhằm tái định hình uy tín quốc tế của Anh.

Ngay từ trước lễ đăng quang chính thức, Vua Charles III đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào cuối tháng 3/2023 tới Đức. Giới chuyên gia bình luận rằng, người đứng đầu Hoàng gia Anh cho thấy nỗ lực hàn gắn vết sẹo trong quan hệ song phương Anh-Đức sau sự kiện Brexit.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Vua Charles III đã trở thành Quốc vương Anh đầu tiên phát biểu trước Bundestag - Quốc hội Đức. Trong đó, ông tuyên bố luôn đề cao quan hệ truyền thống bền chặt giữa hai nước và kỳ vọng vào thúc đẩy hợp tác trong tương lai.

Chuyến đi của Vua Charles III nhận được sự chào đón vô cùng nồng nhiệt của người dân Đức. Niềm đam mê với Hoàng gia Anh được thể hiện rõ khi bất chấp thời tiết mùa Xuân ẩm ướt và lạnh giá, nhiều người Đức đã kiên nhẫn chờ đợi để chào đón Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla tại các điểm dừng chân ở Berlin và Hamburg.

Không chỉ vậy, Vua Charles III còn tự tạo nên bước ngoặt chưa từng có tiền lệ trong trong sự kiện đăng cơ, khi ông đã sắp xếp để thành viên của nhiều tín ngưỡng khác nhau tích cực tham gia vào buổi lễ.

Cụ thể, đại diện của các cộng đồng Do Thái, Hồi giáo Sunni và Shiite, Ấn Độ giáo, Đạo Sikh, Phật giáo, Kỳ Na giáo, Bái Hỏa giáo là những người theo chân Nhà vua tiến vào Tu viện Westminster vào buổi sáng ngày đăng quang.

Có thể nói, quyết định của Vua Charles III nhằm truyền đi thông điệp rằng nước Anh không còn là quốc gia theo đuổi độc nhất Cơ đốc giáo, mà đã trở thành một quốc gia đa tín ngưỡng.

Và bằng cách tôn vinh xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo của nước Anh, Vua Charles III đã nhận được không ít lời tán dương từ cộng đồng quốc tế nhờ góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa trong thời đại toàn cầu.

Cú hích cho nước Anh

Ông Faisal J. Abbas, Tổng biên tập của tờ Arab News nhận định: “Với tình hình chính trị trong nước của Anh đang hỗn loạn, không có thời điểm nào tốt hơn để đất nước này chơi con át chủ bài của mình là quyền lực mềm, lịch sử và truyền thống, được đại diện bởi một vị vua nổi tiếng và hiệu quả”.

Theo cuộc khảo sát gần đây của Viện Tài chính thương hiệu (BFI), tổ chức tư vấn đối với 120 quốc gia, Vương quốc Anh tiếp tục thống trị với tư cách là cường quốc sức mạnh mềm mạnh thứ hai thế giới sau Mỹ. Giám đốc điều hành BFI David Haigh cho biết một phần quan trọng củng cố vị thế này của nước Anh là nhờ chế độ quân chủ.

Ông Haigh cho biết: “Trước đây, các nhà phân tích của chúng tôi đã chỉ ra rằng lợi nhuận thu được từ chế độ quân chủ là bội số của bốn hoặc năm lần chi phí cho chế độ quân chủ và chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ không thay đổi”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Alan Mendoza thuộc tổ chức tư vấn của Hiệp hội Henry Jackson đánh giá: “Khi Nữ hoàng Anh qua đời, một số người đã đặt câu hỏi về khả năng của Vua Charles III trong việc tiếp bước bà khi phát triển sức mạnh mềm. Tuy nhiên, phản ứng trong chuyến thăm Đức cho thấy bất chấp những lời bàn tán, Hoàng gia vẫn có sức ảnh hưởng mà tiền bạc không thể mua được”.

Về góc độ kinh tế, nhà phân tích Hanna Ziady của tờ CNN cho biết, sự kiện đăng cơ của Vua Charles III có thể giúp xoa dịu tinh thần người dân trong bối cảnh nền kinh tế Anh đứng trước làn sóng đình công, gia tăng lạm phát và tụt giảm mức sống.

Trong khuôn khổ lễ đăng quang, nhiều món hàng lưu niệm và nhu yếu phẩm cần thiết đã được bày bán tại các siêu thị phục vụ cho du khách trong nước và quốc tế đổ về chứng kiến lễ đăng quang nhiều thập kỷ mới diễn ra một lần. Đây là điều kiện thuận lợi cho doanh số bán lẻ của thị trường Anh quay lại đà tăng trưởng.

Sự kiện này đã trở thành cú hích quan trọng cho lĩnh vực khách sạn của Anh. Nhìn vào khảo sát gần đây của trang web VisitEngland, có thể nhận thấy hàng triệu người Anh đã lên kế hoạch nghỉ dưỡng trong nước nhân dịp nghỉ lễ Bank Holiday vừa qua, ước tính đã "bơm" khoảng 1,2 tỷ GBP vào nền kinh tế Anh.

(theo The Week, The Express, Arab News)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quyen-luc-mem-co-tien-cung-khong-mua-duoc-cu-a-hoang-gia-anh-tu-nu-hoang-elizabeth-ii-toi-vua-charles-iii-226493.html