Quyền năng của đơn vị nhỏ bé tạo nên sự sống

'Khúc ca của tế bào' của tác giả Siddhartha Mukherjee, đem đến những kiến thức thú vị về tế bào - đơn vị nhỏ bé nhưng đầy quyền năng, là nền tảng của sự sống.

 Sách Khúc ca của tế bào. Ảnh: O.P.

Sách Khúc ca của tế bào. Ảnh: O.P.

Mukherjee là một bác sĩ ung thư, tác giả sách có niềm đam mê với chủ đề sinh học tế bào. Cuốn sách Khúc ca của tế bào của ông đã được nhận các giải thưởng như PROSE Award và Chautauqua Prize 2023, đồng thời lọt danh sách Notable Book của The New York Times.

Mọi sinh vật được tạo nên từ tế bào

Cuốn sách là câu chuyện về tế bào, đồng thời là một biên niên sử về việc phát hiện rằng mọi sinh vật, bao gồm cả con người, được tạo nên từ những “phần tử cơ bản” này. Đây cũng là câu chuyện về cách cơ quan, hệ cơ quan, mô, tế bào, phân tử của cá thể thực hiện những hình thức sinh lý học cơ bản: miễn dịch, sinh sản, cảm giác tính, nhận thức, sửa chữa và phục hồi.

Ở chiều ngược lại, đây là câu chuyện về những gì sẽ xảy ra khi hoạt động của các tế bào bị rối loạn, chuyển cơ thể chúng ta từ sinh lý học tế bào thành bệnh học tế bào - sự trục trặc của tế bào gây ra sự trục trặc của cơ thể. Và đây cũng là một câu chuyện về cách thức hiểu biết sâu sắc hơn của chúng ta về sinh lý học và bệnh học tế bào, khơi lên một cuộc cách mạng trong y học và sinh học.

Khúc ca của tế bào bắt nguồn từ ba bài báo mà Mukherjee viết cho tạp chí The New Yorker từ năm 2017 đến năm 2021. Bài báo đầu tiên là về y học tế bào và tương lai của nó - cụ thể là về khám phá ra tế bào T được tái cấu trúc để tấn công tế bào ung thư.

Bài báo thứ hai nói về một tầm nhìn mới về ung thư, tập trung vào ý tưởng về hệ sinh thái của các tế bào - không phải là các tế bào ung thư biệt lập, mà là tế bào ung thư tại những vị trí cụ thể, và tại sao những vị trí cụ thể trong cơ thể dường như dễ sống đối với những tế bào tăng trưởng ác tính này hơn là những bộ phận khác.

Bài báo thứ ba, được viết trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, là về cách virus hoạt động trong tế bào và cơ thể con người, và cách thức hoạt động của chúng có thể giúp ta hiểu về sự tàn phá sinh lý mà một số virus gây ra ở người.

 Tác giả Siddhartha Mukherjee. Nguồn: rockefeller.edu.

Tác giả Siddhartha Mukherjee. Nguồn: rockefeller.edu.

Tiềm năng chữa bệnh của tế bào gốc

Khúc ca của tế bào mở đầu bằng câu chuyện từ những năm 1660 và 1670, khi một nhà buôn vải Hà Lan ẩn dật (Antonie van Leeuwenhoek) và một nhà thông thái không chính thống người Anh (Robert Hooke), làm việc độc lập với nhau, và cách nhau khoảng hơn 300 km, nhìn qua lăng kính hiển vi tự chế của họ và khám phá ra bằng chứng đầu tiên về tế bào. Robert Hooke đã đặt tên cho tế bào (cells), còn Antonie van Leeuwenhoek có nhiều phát hiện chấn động về thế giới vi sinh vật.

Đến thế kỷ 19, hai nhà khoa học Đức Schleiden (1804-1881) và Schwann (1810-1882) lần đầu tiên đề xuất lý thuyết tế bào - ý tưởng cho rằng mọi sinh vật đều được cấu tạo từ tế bào.

Cuốn sách chuyển đến hiện tại - thời đại mà tế bào gốc của người đang được các nhà khoa học thao tác điều khiển và được truyền vào những bệnh nhân mắc những căn bệnh mạn tính như tiểu đường và thiếu máu hồng cầu hình liềm, và những điện cực đang được cắm vào các mạch tế bào của bộ não nam giới và nữ giới mắc những căn bệnh thần kinh khó chữa.

Từ lâu, các nhà khoa học đã rất hào hứng với tiềm năng chữa bệnh của tế bào gốc. Năm 1963, một nhóm tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson - được trìu mến gọi là Fred Hutch ở Seattle - biết rằng cách hiệu quả nhất để điều trị bệnh bạch cầu là tiêu diệt các tế bào ung thư bằng hóa trị. Nhưng có một vấn đề: Quá trình này đã phá hủy hệ thống miễn dịch.

Nếu không được điều trị, bệnh bạch cầu thường gây tử vong. Vì vậy, họ đã nghĩ ra một giải pháp táo bạo. Các bác sĩ sẽ dùng hóa trị cho bệnh nhân và sau đó cung cấp cho họ tế bào gốc từ người hiến tặng để xây dựng lại toàn bộ hệ thống miễn dịch từ đầu. Khi thủ thuật này được thực hiện lần đầu tiên, nó rất rủi ro và những bệnh nhân ban đầu đã tử vong.

Ngày nay, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh bạch cầu và các bệnh ung thư khác như đau tủy. Và nghiên cứu đang được tiến hành để xem liệu nó có thể được sử dụng để điều trị những căn bệnh chết người như HIV và bệnh hồng cầu hình liềm hay không.

Không dừng lại ở khía cạnh sinh học, Khúc ca của tế bào còn mở ra những liên hệ sâu sắc với y học, bệnh tật và sự chữa lành. Mukherjee - với tư cách một bác sĩ ung thư - đã giúp người đọc hiểu được vì sao khi tế bào rối loạn, cơ thể con người lại lâm bệnh.

Tác giả sách cũng không ngần ngại đặt ra những câu hỏi về mặt đạo đức, xã hội và triết học - khi con người ngày càng tiến gần đến khả năng can thiệp vào chính nền tảng của sự sống.

Mặc dù, theo Mukherjee Khúc ca của tế bào vẫn còn những khoảng trống trong câu chuyện về tế bào, vì sinh học tế bào được liên kết chặt chẽ với những câu chuyện về di truyền học, bệnh học, dịch tễ học, nhận thức luận, phân loại học và nhân học.

Tuy nhiên, qua cuốn sách này, chúng ta vẫn sẽ nhìn thấy được thế giới bên trong cơ thể mình một cách rõ ràng hơn, và cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế, phức tạp và kỳ diệu của sự sống.

Khúc ca của tế bào là cuốn sách dành cho bất kỳ ai yêu tri thức, khao khát hiểu về chính mình và thế giới - một tác phẩm vừa mạnh mẽ về nội dung, vừa sâu lắng về cảm xúc.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/quyen-nang-cua-don-vi-nho-be-tao-nen-su-song-post1547335.html