Quyết định các vị trí lãnh đạo của EU

720 thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới đã bắt đầu kỳ họp đầu tiên kéo dài từ 16 - 18.7 tại Strasbourg, Pháp. Và việc đầu tiên họ cần làm là bầu các vị trí lãnh đạo hàng đầu sẽ chèo lái con thuyền của khối liên minh lá cờ xanh trong 5 năm tới.

Bà Roberta Metsola tái đắc cử Chủ tịch Nghị viện

Trong ngày họp đầu tiên 16.7, các nhà lập pháp đã bỏ phiếu kín bầu bà Roberta Metsola tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP). Được bầu vào vị trí này lần đầu tiên vào tháng 1.2022, chính trị gia đảng nhân dân châu Âu (EPP) người Malta, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này thêm hai năm rưỡi nhiệm kỳ nữa sau khi nhận được sự ủng hộ của 562 trong số 720 thành viên mới của EP.

Kết quả này được dự đoán trước vì hầu như bà không có đối thủ cạnh tranh. Chỉ có duy nhất nghị sĩ Irene Montero của cánh tả, cựu Bộ trưởng Bình đẳng giới của Tây Ban Nha, đã nộp đơn ứng cử nhưng bà Montero chỉ nhận được 61 phiếu bầu.

Theo truyền thống, nhiệm kỳ 5 năm của vị trí Chủ tịch EP sẽ được luân phiên giữa đảng Xã hội và Dân chủ trung tả (S&D) và đảng EPP trung hữu. Vì thế giới chuyên gia dự đoán, ứng cử viên của S&D cho vị trí người kế nhiệm bà Metsola có thể là bà Iratxe García của Tây Ban Nha, lãnh đạo nhóm S&D tại EP, hoặc một nhân vật lãnh đạo trong đảng Dân chủ Italy, vốn là lực lượng lớn nhất trong S&D.

Chủ tịch EP Roberta Metsola, ứng cử viên EC Ursula von der Leyen, Chủ tịch EUC Antonio Costa và bà Kaja KallasCarlos Gámez - Ứng cử viên cho vị trí Cao ủy về Đối ngoại và An ninh châu Âu. Ảnh: 20minutos

Chủ tịch EP Roberta Metsola, ứng cử viên EC Ursula von der Leyen, Chủ tịch EUC Antonio Costa và bà Kaja KallasCarlos Gámez - Ứng cử viên cho vị trí Cao ủy về Đối ngoại và An ninh châu Âu. Ảnh: 20minutos

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, bà Metsola cam kết “sẽ có một nhiệm kỳ lãnh đạo mạnh mẽ” và tiếp tục nỗ lực để Nghị viện châu Âu có sáng quyền lập pháp (quyền đề xuất luật giống như các nghị viện quốc gia). “EP là cơ quan lập pháp sẵn sàng với sự thay đổi”. “Tôi sẽ không bao giờ né tránh việc đưa ra những quyết định khó khăn”, bà nói thêm. Bà cũng đề cập đến một loạt các vấn đề mà cơ quan lập pháp siêu quốc gia lớn nhất hành tinh phải đối mặt: từ việc tăng cường nỗ lực kiểm soát biên giới và hồi hương với "cách tiếp cận nhân văn" để hạn chế di cư đến thúc đẩy ngành công nghiệp của châu Âu và "cắt giảm thủ tục hành chính" để nâng cao khả năng cạnh tranh của khối; từ các chính sách môi trường và nông nghiệp vốn là nguyên nhân của các cuộc biểu tình làm rung chuyển châu Âu thời gian qua, đến cuộc chiến tranh ở ngay cạnh biên giới giữa Nga và Ukraine. Bà Metsola nói với các nghị sĩ châu Âu rằng: “Tôi sẽ làm việc mỗi ngày để đáp ứng kỳ vọng của các bạn”.

Trong nhiệm kỳ trước của mình, bà Metsola đã lãnh đạo EP vượt qua những thời điểm khó khăn, chẳng hạn như vụ bê bối hối lộ, mua chuộc một số nhà lãnh đạo cấp cao của EP được biết đến với tên gọi Qatargate. Bà hiện trở thành một trong bốn nhân vật chủ chốt sẽ lãnh đạo EU trong những năm tới, cùng với người đứng đầu Ủy ban châu Âu, chủ tịch Hội đồng châu Âu và nhà ngoại giao hàng đầu của EU.

Vị trí ghế nóng sẽ thuộc về ai?

Một trong những vị trí được quan tâm nhất tại cuộc họp EP lần này là chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Ngày 27.6 vừa qua, các quan chức hàng đầu của EU đã đạt được thỏa thuận tiếp tục đề cử bà Ursula von der Leyen vào vị trí Chủ tịch EC nhiệm kỳ thứ hai; cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa được chọn làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) và Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas là Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại. Trong khi ông Antonio Costa sẽ đảm nhận cương vị mới từ ngày 1.12 tới, thì đề cử của bà Ursula von der Leyen cần được EP phê chuẩn trong một cuộc bỏ phiếu kín vào ngày 18.7.

Trong cuộc bỏ phiếu 5 năm trước, bà chỉ đạt được nhiều hơn 9 phiếu so với số phiếu tối thiểu để trúng cử. Lần này có thể sẽ lại là một cuộc bỏ phiếu sít sao đối với bà Ursula von der Leyen. "Bà ấy cần phải thận trọng để nhận được sự ủng hộ của các nhóm khác nhau trong EP", nhà phân tích Elizabeth Kuiper, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu cho biết.

Trong khi một số nhà lập pháp không muốn EU đi chệch hướng khỏi việc tập trung cắt giảm lượng phát thải carbon để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một số khác lại muốn giảm số lượng quy định mới về môi trường. Bà Ursula von der Leyen cần phải làm hài lòng cả hai nhóm này nếu muốn nhận được sự ủng hộ của họ cho nỗ lực tái ứng cử của mình.

Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu hồi tháng 6 đã chứng kiến liên minh cầm quyền trung dung, gồm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) bảo thủ, Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ và những người theo chủ nghĩa tự do, vẫn là khối chính trị lớn nhất. Tuy nhiên, cuộc bầu cử cũng chứng kiến một sự chuyển dịch mạnh mẽ sang cánh hữu. Với tỷ lệ ủng hộ tăng cao, phe cực hữu hiện muốn tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn trong Nghị viện khóa mới.

Như vậy, về mặt lý thuyết, bà Ursula von der Leyen có thể giành đủ số phiếu ủng hộ để đáp ứng ngưỡng 361 phiếu bầu khi Đảng EPP của bà là nhóm chính trị lớn nhất trong EP, với 188 ghế, cộng thêm phiếu bầu từ các đối tác liên minh của EPP từ Đảng Xanh và phe Xã hội Chủ nghĩa. Tuy nhiên, có tới 15% thành viên trong EPP cho biết họ có thể sẽ bỏ phiếu chống lại bà Ursula von der Leyen trong cuộc bỏ phiếu kín bầu chọn lãnh đạo sắp tới.

Đó chính là lúc Thủ tướng cực hữu của Italy, bà Giorgia Meloni chứng tỏ vai trò của mình; bà Giorgia Meloni hiện đứng đầu Khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) cực hữu, với 78 phiếu bầu có thể đóng vai trò quan trọng đối với số phận của bà Ursula von der Leyen. Cho đến nay, bà Giorgia Meloni vẫn loại trừ khả năng sẽ yêu cầu các nghị sĩ thuộc phe mình ủng hộ nữ chính trị gia người Đức cho nhiệm kỳ thứ hai.

Trong một động thái nhượng bộ, bà Ursula von der Leyen đã cho thấy, bà sẽ linh hoạt trong các vấn đề quan trọng đối với đảng của bà Giorgia Meloni khi cam kết sẽ giải quyết vấn đề di cư, bảo vệ lợi ích nông nghiệp và giảm nhẹ chính sách khí hậu. Tại cuộc gặp gỡ ngày 16.7, các nghị sĩ châu Âu thuộc nhóm ECR tỏ ra hoan nghênh những đề xuất của bà Ursula von der Leyen. Tuy nhiên, họ cũng yêu cầu "một bước thay đổi triệt để về chính sách khí hậu của Thỏa thuận Xanh", đòi hỏi một chính sách nông nghiệp "thực dụng" hơn và các thỏa thuận mới cứng rắn với các nước châu Phi để ngăn chặn làn sóng di cư. Bà Giorgia Meloni cũng muốn Italy được diễn giải về các quy tắc nợ của châu Âu một cách linh hoạt tối đa. Ngoài ra, các đồng minh của bà Giorgia Meloni thuộc phe cực hữu cũng nêu rõ sự ủng hộ của họ sẽ phụ thuộc vào việc liệu bà Ursula von der Leyen có trao cho họ một vị trí quyền lực trong Ủy ban châu Âu mới hay không và họ cũng yêu cầu có 3 vị trí Phó Chủ tịch EP nữa trong số 14 Phó Chủ tịch. Trong khi đó, một nhóm mới được gọi là "Những người yêu nước vì châu Âu" - do Thủ tướng Hungary Orban thành lập, bao gồm cả đảng Tập hợp Quốc gia (NR) cực hữu của Pháp - hiện là phe lớn thứ 3 trong Nghị viện khóa mới, cũng đang cạnh tranh 2 vị trí Phó Chủ tịch.

Tại Brussels, các quan chức đã nói rõ rằng, họ không có Kế hoạch B nếu bà Ursula von der Leyen không nhận được sự ủng hộ của Nghị viện cho nhiệm kỳ Chủ tịch EC thứ hai. Nếu bà không đạt được 361 phiếu bầu cần thiết trong EP gồm 720 ghế vào ngày 18.7, chính trường EU sẽ một lần nữa rơi vào hỗn loạn và bối rối. Trong bối cảnh vô cùng nhạy cảm - khi cuộc chiến Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ ba và ứng cử viên Donald Trump đang tiến chắc chắn trên con đường trở lại Nhà Trắng, sự lãnh đạo ổn định của EU được coi là rất quan trọng đối với an ninh kinh tế và chính trị của châu lục này.

Quốc Đạt (Theo Politico, EuroParl)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/quyet-dinh-cac-vi-tri-lanh-dao-cua-eu-i380942/