Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga phiền lòng

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/6 đã bãi bỏ quyền phủ quyết của mình đối với nỗ lực gia nhập liên minh phương Tây của Phần Lan và Thụy Điển, sau khi 3 nước đạt được sự nhất trí về bảo vệ an ninh của nhau.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Theo Reuters, bước đột phá nói trên diễn ra sau 4 giờ hội đàm ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc ở Madrid, Tây Ban Nha.

"Các ngoại trưởng của chúng tôi đã ký một bản ghi nhớ ba bên xác nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ lời mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO", Tổng thống Phần Lan Niinisto cho biết trong một tuyên bố.

Điều này có nghĩa là Phần Lan và Thụy Điển có thể tiến hành đơn xin gia nhập NATO, đánh dấu những diễn biến được cho là sự thay đổi lớn nhất trong vấn đề an ninh ở châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Ông Niinisto cho biết thêm, các bước để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ được thống nhất trong hai ngày 29 và 30/6.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong các tuyên bố riêng biệt được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa người đứng đầu NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Niinisto đã xác nhận thỏa thuận nói trên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này. Ông Biden, trong một bài đăng trên Twitter, gọi đây là "bước quan trọng đối với lời mời của NATO đến Phần Lan và Thụy Điển”. Theo Tổng thống Mỹ, điều này sẽ củng cố Liên minh NATO và củng cố an ninh tập thể của khối.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, 30 nhà lãnh đạo của NATO sẽ mời Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới 1.300 km với Nga, và Thụy Điển gia nhập NATO và các nước này sẽ trở thành "khách mời" chính thức. "Cánh cửa đã mở - việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ diễn ra”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, ngay cả khi được cấp lời mời chính thức, 30 quốc hội của các nước NATO vẫn phải phê chuẩn quyết định của các nhà lãnh đạo để Thụy Điển và Phần Lan có thể chính thức trở thành thành viên của liên minh. Quá trình này có thể mất tới một năm.

Trong một diễn biến khác, tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ Biden dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Phát biểu trước khi lên đường đến Madrid, ông Erdogan nói rằng ông sẽ thúc đẩy ông Biden về thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông sẽ thảo luận với ông Biden về vấn đề Ankara mua sắm hệ thống phòng không S-400 từ Nga, vốn dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng như các thiết bị hiện đại từ Washington và các vấn đề khác.

Tường Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quyet-dinh-cua-tho-nhi-ky-khien-nga-phien-long-post453041.html