'Quyết định thành lập TP Thủ Đức phải có giá trị hơn 50 năm'
'Thành lập TP Thủ Đức rồi thì sẽ không chia nhỏ nữa. Cho nên, quyết định thành lập TP Thủ Đức phải có giá trị khoảng 50 năm hoặc lâu hơn nữa', ông Nhân nhận định.
Chính quyền đô thị và thành lập TP Thủ Đức là hai vấn đề trọng tâm được ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, đề cập trong bài phát biểu tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 23 diễn ra sáng 7/12.
Quyết định thành lập TP Thủ Đức phải có giá trị hơn 50 năm
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 2 quyết định rất quan trọng giúp đổi mới thể chế hoạt động của TP.HCM. Tuần tới, nếu Thường vụ Quốc hội đồng ý thì sẽ có quyết định quan trọng thứ 3 đó là thành lập TP Thủ Đức.
Đầu tiên là Nghị quyết 54, nghị quyết đặc thù về cơ chế tài chính cho TP.HCM, mà UBND TP vừa sơ kết, báo cáo Chính phủ. Ông Nhân nhận định sau năm 2022 (thời hạn thực hiện Nghị quyết 54), nhiều chính sách sẽ được hoàn thiện, trở thành chính sách chung của cả nước.
Thứ hai là Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị TP.HCM. Đây là quyết định có ảnh hưởng lâu dài đến thành phố trên cơ sở đã 6 năm thí điểm. Nguyên Bí thư Thành ủy nhận định việc thực hiện chính quyền đô thị sẽ có tầm ảnh hưởng với thành phố ít nhất 10 năm tới. Sau đó, TP.HCM cùng với cả nước sẽ xây dựng những quy định về chính quyền đô thị nói chung.
Ông Nhân nhận định sắp tới, nếu Thường vụ Quốc hội đồng thuận về thành lập TP Thủ Đức thì đây sẽ là quyết định có tác dụng lâu dài.
"Nếu thành lập TP Thủ Đức thì sẽ không chia nhỏ nữa. Mà để thành lập TP lớn hơn Thủ Đức nữa thì chắc còn rất lâu. Cho nên, quyết định thành lập TP Thủ Đức phải có giá trị khoảng 50 năm hoặc lâu hơn nữa", ông Nhân nhận định.
Nói riêng về đề án chính quyền đô thị, ông Nhân cho rằng đây là thời cơ để TP phát triển nhanh hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đóng góp chung cho đất nước. Đó là mục đích của việc giảm bớt HĐND cấp quận, phường.
Ông Nhân kiến nghị trước quý II/2021, thành phố nên sớm sắp xếp bộ máy quận, phường không còn phụ thuộc HĐND, đặc biệt là chủ động sắp xếp các biên chế dôi dư. Tinh thần là đến ngày bầu cử (23/5), phương án sắp xếp cần hoàn thành để ngày 1/7 bộ máy mới đi vào hoạt động.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cũng nhận định khi HĐND không còn duy trì thì rõ ràng, khả năng giám sát của HĐND sẽ bị giảm so với trước. Do đó, ông Nhân đề xuất thành phố phải "giám sát bù" để đảm bảo quá trình giám sát tốt hơn về mặt tổng thể. Ông Nhân cho rằng việc Quốc hội cho tăng số đại biểu chuyên trách của TP.HCM lên 19 người là điều kiện giúp TP hoạt động tốt hơn.
Làm kinh tế mà chỉ nói kinh tế là thất bại
Nói riêng về thành lập TP Thủ Đức trong đề án chính quyền đô thị, ông Nhân nhắc lại theo đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao, TP Thủ Đức sẽ là trung tâm kinh tế tri thức, trung tâm kinh tế công nghệ cao lớn nhất thành phố và có lẽ là lớn nhất cả nước.
"Như vậy, đặc điểm của TP Thủ Đức sẽ là thành phố kinh tế tri thức, thành phố của trí tuệ nhân tạo, của 4.0. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nơi nào làm kinh tế mà chỉ nói kinh tế là thất bại, mà phải nói tới điều kiện sống của con người. TP Thủ Đức phải là thành phố đáng sống, thành phố xanh. Với đặc điểm là trung tâm về kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo thì thành phố phải thu hút được chuyên gia đầu tư nước ngoài, phải là nơi hội nhập quốc tế", ông Nhân chia sẻ.
Ông đề nghị TP.HCM phải chuẩn bị được bộ máy của TP Thủ Đức từ quý I năm 2021 đến ngày bầu cử 23/5. Từ 3 quận, 3 UBND phải rút gọn còn một UBND. Cùng với hệ thống chính quyền, hệ thống TAND, VKS, công an, cấp ủy và đoàn thể cũng phải chuẩn bị xong trước quý II để bước vào hoạt động.
Để xây dựng TP Thủ Đức thành trung tâm kinh tế 4.0 của cả nước và của vùng, ông Nhân kiến nghị HĐND, UBND tham khảo 4 nội dung về hạ tầng cho thành phố tương lai.
Với đặc thù TP Thủ Đức phải là TP của trí tuệ nhân tạo, ông Nhân đề xuất việc đầu tiên phải làm là xây dựng hạ tầng viễn thông. Cụ thể, ông Nhân cho rằng TP Thủ Đức phải có 5G phủ sóng. Đây là tín hiệu với người dân và nhà đầu tư.
Thứ 2, TP.HCM có Công viên phần mềm Quang Trung rộng 40 ha có hiệu quả tốt. Giá trị xuất khẩu năm vừa rồi là 500 triệu USD. Ông Nhân kiến nghị công viên phần mềm thứ 2 của thành phố nên đặt tại TP Thủ Đức. Ông cũng đề xuất tên gọi là Công viên phần mềm Quang Trung Thủ Đức để thể hiện cơ cấu hạ tầng cho kinh tế tri thức.
Thứ 3, TP Thủ Đức được xác định là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất của TP, của Việt Nam. Từ đó, ông Nhân đề nghị sớm triển khai cấu phần này bằng cách xác định vị trí, danh sách nhà đầu tư để xây dựng trung tâm khởi nghiệp lớn tại Thủ Đức.
Cuối cùng, ông Nhận nhận định muốn làm trí tuệ nhân tạo thì cần có phương tiện để thực nghiệm nghiên cứu, đó là Trung tâm tính toán hiệu năng cao, hay là Trung tâm siêu máy tính. Ông đề xuất TP nên bàn với các trường đại học, doanh nghiệp và báo cáo Chính phủ để xây dựng Trung tâm siêu máy tính lớn nhất Việt Nam tại TP Thủ Đức.
"Có trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất, có Công viên phần mềm Quang Trung Thủ Đức, có 5G, cộng với chính sách khác thì sẽ thúc đẩy việc hình thành hạ tầng cho TP Thủ Đức sớm hơn", ông Nhân dự báo.
Cuối cùng, ông Nhân cho rằng cần dành 2 năm để tập trung số hóa tài nguyên. Bởi lẽ, không có tài nguyên số thì trí tuệ nhân tạo không có điều kiện làm việc.