Quyết liệt bảo vệ cán bộ Công đoàn
Theo các đại biểu, Luật Công đoàn sửa đổi, bổ sung phải có quy định bảo vệ cán bộ Công đoàn chặt chẽ để họ an tâm làm việc, hoạt động
Tại hội thảo góp ý về Luật Công đoàn (sửa đổi, bổ sung) do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây, vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận là các quy định bảo vệ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp (DN).
Đủ kiểu o ép
Điều 25 Luật Công đoàn 2012 quy định rất rõ việc nghiêm cấm các hành vi cố tình trù dập cán bộ Công đoàn, song theo các đại biểu, nhiều DN vẫn cố tình o ép, gây khó cho cán bộ Công đoàn.
Điều chuyển làm công việc khác là hình thức phổ biến mà nhiều DN áp dụng nhằm làm cán bộ Công đoàn nản chí. Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, dẫn chứng: "Để đuổi việc chủ tịch Công đoàn, giám đốc một DN đã ra quyết định giải thể bộ phận do cán bộ này làm quản lý, với lý do là không còn nhu cầu vị trí việc làm này. Để bảo vệ cán bộ Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai kiện ra tòa nhưng không thành công vì tòa phán quyết là DN không làm sai quy định pháp luật". Thực tế này cho thấy quy định bảo vệ cán bộ Công đoàn trong Luật Công đoàn 2012 hiện nay chưa chặt chẽ, còn kẽ hở cho DN chèn ép cán bộ Công đoàn cơ sở.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nho, Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, cho rằng điều 25 Luật Công đoàn chưa đủ chặt chẽ nên chủ DN có nhiều cách lợi dụng kẽ hở để trù dập, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật, sa thải cán bộ Công đoàn. Từ thực tế trên, ông Hà và ông Nho kiến nghị việc sửa đổi luật lần này cần phải có những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ cán bộ Công đoàn.
Từ thực tiễn hoạt động, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng với quy định hiện hành, việc bảo vệ cán bộ Công đoàn rất khó, bởi nếu DN không ủng hộ thì họ "không có đất sống". Tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, nhờ được người sử dụng lao động tạo điều kiện nên đội ngũ cán bộ Công đoàn yên tâm làm việc. Mặc dù công ty nhiều lần gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động nhưng chưa có cán bộ Công đoàn nào bị cho nghỉ việc.
Gỡ khó về biên chế
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc sửa Luật Công đoàn nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn hiện hành, đáp ứng yêu cầu của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, phù hợp với việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống và phù hợp với yêu cầu từ hội nhập quốc tế. Đồng thời, việc sửa đổi lần này sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, nhằm hoàn thiện các quy định về tổ chức, bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động.
Theo ông Nguyễn Minh Dũng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang, thực tế hiện nay việc bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách gặp những khó khăn. Cán bộ chuyên trách của Công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam trả lương nhưng biên chế lại giao cho cấp ủy quản lý, quyết định. "Lẽ ra ai trả lương thì phải quyết định về biên chế để dễ bố trí, điều động. Việc bảo đảm cho các hoạt động của Công đoàn nằm ở công tác cán bộ, do đó cần có quy định tổ chức Công đoàn được quyền chủ động quyết định bố trí số lượng cán bộ chuyên trách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức trong tình hình mới" - ông Dũng đề xuất.
Bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn KCN tỉnh Long An, cho hay biên chế cán bộ Công đoàn của tỉnh một phần tỉnh ủy quản lý, một phần huyện ủy quản lý. Như bản thân bà, chuyển từ cơ quan nhà nước sang làm cán bộ Công đoàn chuyên trách và bị cắt biên chế. Nhiều cán bộ Công đoàn cống hiến nhiều năm bị đẩy ra khỏi biên chế, điều này khiến nhiệt huyết của họ nguội lạnh. Bà Trang đề xuất Luật Công đoàn mới phải xem xét định mức biên chế cán bộ Công đoàn hợp tình hợp lý, nên căn cứ vào số lượng đoàn viên để bố trí một cán bộ Công đoàn chuyên trách.
Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Công đoàn phải mạnh
Việc sửa Luật Công đoàn lần này phải làm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, quyền Công đoàn của người lao động được ghi nhận, tôn trọng đầy đủ và thực hiện nghiêm trên thực tế. Việc sửa luật còn hướng đến vừa tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế vừa phải phù hợp với thể chế của đất nước. Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Thông qua việc sửa đổi Luật Công đoàn sẽ góp phần thúc đẩy Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, ngày càng lớn mạnh. Từ đó thu hút đông đảo người lao động và các tổ chức của người lao động tại DN tham gia Công đoàn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/quyet-liet-bao-ve-can-bo-cong-doan-20230419192745687.htm