Quyết liệt chấn chỉnh ý thức của người tham gia giao thông

Đi trên đường chúng ta rất dễ bắt gặp những hình ảnh như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chen lấn dẫn đến tắc đường. Thậm chí, không chỉ thanh thiếu niên, học sinh mà ngay cả một bộ phận người lớn vẫn đang 'vô tư' vi phạm trật tự an toàn giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội đã có những biện pháp mang tính đột phá để giải quyết tình trạng này.

Hậu quả khó lường

Trên địa bàn thành phố, tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, đè vạch, lấn làn, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, phóng xe lên vỉa hè… đang trở nên phức tạp. Hành vi này thường xảy ra tại các nút giao đông đúc hoặc trong những khung giờ thiếu vắng lực lượng Cảnh sát giao thông. Đây không chỉ là biểu hiện của sự thiếu ý thức chấp hành luật pháp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn.

Lập lại trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho người dân và đảm bảo an toàn cho mỗi người là mục tiêu trọng tâm của Công an Hà Nội

Lập lại trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho người dân và đảm bảo an toàn cho mỗi người là mục tiêu trọng tâm của Công an Hà Nội

Nguyên nhân chính khiến người dân vượt đèn đỏ xuất phát từ tâm lý chủ quan, nôn nóng, hoặc muốn tiết kiệm thời gian. Thói quen này thường thấy ở những người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, đặc biệt trong khung giờ cao điểm hoặc sáng sớm, khi đường phố vắng bóng lực lượng chức năng. Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (CATP Hà Nội) khẳng định, hành vi vượt đèn đỏ là cực kỳ nguy hiểm không chỉ cho lái xe mà còn đe dọa an toàn của những người tham gia giao thông khác, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là ở nội đô.

Rạng sáng 4-7-2024, tại ngã ba Giải Phóng - Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa ô tô tải mang BKS: 30Y - 95xx và xe khách 29 chỗ mang BKS: 29G - 015.xx. Nguyên nhân do xe khách 29 chỗ chạy theo hướng Hà Nội - Hà Nam vượt đèn đỏ đâm trực diện vào xe tải lúc này đang bật xi nhan xin đường rẽ vào phố Linh Đàm. Luật An toàn giao thông giúp người điều khiển phương tiện hiểu rõ trách nhiệm của bản thân khi cầm lái, trong đó có các quy định rất cụ thể, chi tiết về các lỗi vi phạm để người dân chấp hành. Song, thực tế lại cho thấy, không phải ai cũng tuân thủ các quy định dẫn đến hậu quả khó lường.

“Hiệu ứng đặc biệt”

Để chấn chỉnh ý thức người tham gia giao thông, ngày 16-5-2024, CATP Hà Nội đã triển khai 5 Tổ công tác đặc biệt gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, phối hợp với công an địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm như: Điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; đi vào đường cấm; đi ngược chiều; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; lạng lách, đánh võng; giả dạng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp... Đến ngày 9-7, CATP Hà Nội tiếp tục “xuất quân” thêm 5 tổ công tác, nâng tổng số thành 10 tổ công tác đặc biệt.

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã căn cứ tình hình thực tế để triển khai các tổ tuần tra kiểm soát tại tất cả các quận nội thành, cùng với các lực lượng chuyên trách để đảm bảo không xảy ra ùn tắc giao thông, dần tạo cho người dân ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đến nay, 10 tổ công tác đặc biệt đã thực sự mang lại một “hiệu ứng đặc biệt” khi số người vi phạm giảm dần, nhiều người dân đã tự giác chấp hành Luật An toàn giao thông, được nhân dân Thủ đô ủng hộ.

“Cá nhân tôi cảm thấy khi lực lượng chức năng thường xuyên xuất hiện trên các tuyến phố đã hạn chế rất nhiều trường hợp lạng lách đánh võng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trên đường đi làm từ quận Thanh Xuân lên quận Hoàn Kiếm qua nhiều tuyến phố đông đúc, tôi không còn bị áp lực vì tắc đường…” - chị Trương Mai Phương (trú tại quận Thanh Xuân) chia sẻ. Cũng theo chị Phương, từ khi có các tổ công tác đặc biệt tuần tra kiểm soát cơ động trên các tuyến phố trọng điểm, người dân đã có ý thức hơn, không lấn làn hoặc đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. “Có thể chưa hẳn là thay đổi ý thức, nhưng trước hết mọi người vì sợ bị xử phạt nên chấp hành cũng là điều tốt. Mưa dầm thấm lâu, rồi mỗi người khi ra đường đều tự giác, biến việc đối phó ban đầu thành thói quen chung thì văn hóa giao thông sẽ được nâng lên” - chị Mai Phương nói thêm.

Việc triển khai 10 tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, xử lý vi phạm tại các nút giao thông trọng điểm bước đầu tạo được yếu tố bất ngờ, có tính răn đe cao với các vi phạm, đặc biệt đối với những thanh, thiếu niên ngổ ngáo, cố tình vi phạm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, vượt đèn đỏ… Kế hoạch triển khai các tổ công tác đặc biệt của CATP Hà Nội rõ ràng đã tạo ra một bước “chuyển mình” mạnh mẽ trong việc chấn chỉnh ý thức người dân Thủ đô khi tham gia giao thông.

Rất cần sự “chuyển mình” từ ý thức của người tham gia giao thông

Rất cần sự “chuyển mình” từ ý thức của người tham gia giao thông

Cần ý thức tự giác của mỗi người

Hiện tại, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt tiếp tục chỉ đạo các đội nghiệp vụ cùng 10 tổ công tác đặc biệt tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là tại các nút giao trọng điểm. Ghi nhận tại ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt sáng 6-12-2024, chỉ trong ít phút, tổ công tác đặc biệt số 3 đã phát hiện, xử lý 7 trường hợp điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ. Đáng chú ý, không ít trường hợp người điều khiển xe máy cố tình vượt đèn đỏ, nhưng khi bị lực lượng CSGT dừng xe, xử lý thì không nhận lỗi.

Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 15, (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắ) cho biết: “Người vi phạm bao gồm học sinh, sinh viên, công chức, người cao tuổi. Hành vi vượt đèn đỏ được ghi nhận bằng camera giám sát để người vi phạm “tâm phục khẩu phục” nên sau khi bị xử lý và được tuyên truyền họ đã có chuyển biến tích cực”. Tương tự, ghi nhận tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), Đội Cảnh sát giao thôngsố 7 cũng đã xử lý 10 trường hợp vượt đèn đỏ chỉ trong vài phút. Lý do của người vi phạm đưa ra vẫn là “còn vài giây đi cố”, hay “đang vội”, “có việc gấp”…

Quyết liệt hơn trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông Thủ đô cũng như đưa văn hóa giao thông vào trong tiềm thức của mỗi người dân, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã triển khai “Ngã tư an toàn giao thông” với trên 20 nút giao trọng điểm của thành phố. Trong đó, lực lượng làm nhiệm vụ được tăng cường, tập trung xử lý các hành vi vi phạm phổ biến như đi ngược chiều, không tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, dừng đỗ xe trái quy định, dừng xe lấn sang làn đường đối diện, không chấp hành hiệu lệnh người điều khiển giao thông, đè lên vạch kẻ phần đường dành cho người đi bộ… gây mất an toàn giao thông và làm xấu đi hình ảnh giao thông của Thủ đô.

Sau khi mô hình “Ngã tư an toàn giao thông” được xây dựng, duy trì, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ đánh giá lại hiệu quả tại các nút giao trọng điểm và đồng loạt triển khai nhân rộng ra toàn thành phố, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người dân. Nhưng, cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng, những nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc nắn chỉnh ý thức người dân chỉ là một phần. Hơn hết, mỗi người tham gia giao thông cần phải nhìn nhận lại, từ đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ Luật An toàn giao thông và chỉ khi ý thức người dân được nâng lên thì văn hóa giao thông của Thủ đô mới thực sự đổi thay tích cực.

An Huy

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quyet-liet-chan-chinh-y-thuc-cua-nguoi-tham-gia-giao-thong-post597723.antd