Quyết liệt chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công

Trong phiên thảo luận chiều nay, 31.5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Cần khắc phục tình trạng “vốn chờ công trình”.

Nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự quan ngại đối với tình trạng chậm trễ, ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công. ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công cho dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án trọng điểm như: dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam do tiến độ giải phóng mặt bằng không đồng đều ảnh hưởng đến thi công chậm trễ, khó giải ngân theo kế hoạch. Đại biểu cũng kiến nghị, cần khắc phục tình trạng “vốn chờ công trình”, quan tâm đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư theo phương thức xã hội hóa, có sự đóng góp của người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành đến nay vẫn trì trệ, bất cập. Nhiều nhà đầu tư không mặn mà với loại hình này. Nêu thực tế này, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá lại nguyên nhân. Bởi lẽ, nhà đầu tư cho rằng nhiều dự án đầu tư dễ thực hiện trong giải phóng mặt bằng, hiệu quả đầu tư cao, thu hồi vốn nhanh như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáng lẽ ra phải cho nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện thì lại thực hiện theo hình thức đầu tư công, còn các dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vùng sâu, vùng xa ít lưu lượng giao thông thì lại kêu gọi nhà đầu tư tư nhân vào cuộc.

Bên cạnh đó, một số dự án BOT trong thời gian qua chưa thu phí được do người dân và chính quyền chưa đồng thuận. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm, bảo đảm hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư và người dân để giải quyết bất cập trong đầu tư PPP. Cụ thể, theo đại biểu, cần tách phần vốn giải phóng mặt bằng ra khỏi vốn đầu tư chung bằng ngân sách nhà nước, phần vốn không quá 50% theo quy định của pháp luật sẽ cùng với nhà đầu tư tổ chức thực hiện vì vốn giải phóng mặt bằng hiện nay rất cao, suất đầu tư mang lại hiệu quả thấp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tranh luận với một số ý kiến cho rằng tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, so với những năm trước thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của năm nay đã tốt hơn rất nhiều. Đại biểu nêu dẫn chứng số liệu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công qua các năm gần đây, cụ thể: năm 2017, tỷ lệ giải ngân đạt 73%, năm 2018 đạt 66,9%, năm 2019 đạt 67,5%, năm 2020 đạt 90%, năm 2021 đạt 93,4% và 2022 đạt 93%. Hơn nữa, số tiền của kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn rất nhiều so với số tiền kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016 - 2020. Do vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần đánh giá khách quan; đồng thời cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm tới các dự án dở dang, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ các dự án này.

Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương

Quan tâm tới việc triển khai triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu phản ánh, việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình còn chậm, chưa đạt yêu cầu, không bảo đảm tiến độ đề ra. Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái), một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do một số quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành chưa kịp thời, chưa đủ kế hoạch, vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021 - 2025 của các chương trình chưa được Thủ tướng Chính phủ giao dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện giao vốn hàng năm có mặt chưa hợp lý. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương rà soát, xem xét sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn, định mức hỗ trợ và các quy định cụ thể về tổ chức phát triển khai triển các chương trình.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đến thời điểm hiện nay, còn một số dự án dự án thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoặc có nhưng còn mâu thuẫn, không thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng chậm triển khai, tiến độ giải ngân đạt thấp, gây lãng phí, giảm hiệu quả vốn sử dụng, làm chậm tiến độ thực hiện.

Nêu vấn đề trên, ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) nhấn mạnh, chậm triển khai một ngày là thêm một ngày người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi để được tiếp nhận chính sách và thêm một ngày nguồn lực đầu tư cho Chương trình bị lãng phí. Đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương đẩy mạnh việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo quy trình thủ tục rút gọn, bảo đảm phù hợp với tình hình và năng lực thực thi của cấp cơ sở.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/quyet-liet-chi-dao-viec-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i330956/