Quyết liệt, kiên trì phòng chống tham nhũng
Để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết cần có nhận thức đúng đắn, biến nhận thức thành hành động; nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy
Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM và Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật tổ chức tọa đàm, giao lưu, giới thiệu tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tập trung kiểm soát quyền lực
Tại buổi tọa đàm về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các diễn giả đã trao đổi về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo đã điểm qua một số kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua: Phát hiện, xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, 167.700 cán bộ đảng viên; trong đó có 190 người thuộc diện trung ương quản lý, 50 người là cấp tướng. Để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, Đảng đã ban hành 250 văn kiện, Quốc hội ban hành gần 300 văn bản pháp luật, pháp lệnh và Chính phủ ban hành khoảng 20 nghị định. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từng bước mở rộng ra ngoài khu vực nhà nước.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, biến nhận thức thành hành động, quyết tâm cao, hành động quyết liệt dưới sự lãnh đạo tập trung của Đảng.
Theo đó, cần kiên trì theo đuổi công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vì đây là việc khó thực hiện trong thời gian ngắn. Tiếp theo, phải làm tốt công tác cán bộ, từ việc đánh giá, chọn lựa, bố trí đến xử lý cán bộ cũng như kết hợp chặt chẽ với việc phòng ngừa, xem đây là việc cơ bản, lâu dài để chấn chỉnh kịp thời. Song song đó, phải tập trung kiểm soát quyền lực.
"Làm thế nào để kiểm soát cho tốt vì quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa. Tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật của quyền lực; cần kiểm soát bằng cơ chế, trách nhiệm và tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ. Phải phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phải đủ bản lĩnh để phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đồng thời, gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng" - bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Vũ Tình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có hiệu quả tối ưu khi trở thành phong trào cách mạng của quần chúng. Để hoạt động này trở thành phong trào cách mạng của quần chúng, trước hết phải tập trung tuyên truyền, giáo dục một cách bài bản, cơ bản, sâu và rộng; phải làm cho nhân dân hiểu rõ và nhận diện đúng, đủ về tham nhũng.
Vai trò tiên phong
TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Chi nhánh Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật tại TP HCM, cho rằng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi Đảng phải ra sức củng cố đội ngũ, nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín đảng viên. Trong đó, điều quan trọng nhất là uy tín của đảng viên trong thời kỳ mới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ là đảng viên phải thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu.
Ông Lương Văn Hồng - cán bộ hưu trí ở quận Tân Bình, TP HCM - cho rằng cán bộ phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nào có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp cần nhanh chóng xử lý kịp thời và thay thế, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, phụ trách Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM, để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tốt, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, nghiên cứu về giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn từ tác phẩm của Tổng Bí thư; khẳng định phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, xu thế không thể đảo ngược.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chủ động phòng ngừa tham nhũng, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên…
Cần có cơ chế bảo vệ, khen thưởng kịp thời
Bà Nguyễn Thị Hiếu (ngụ quận 1, TP HCM) cho rằng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội... cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người tích cực, dũng cảm phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng.