Quyết liệt nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán để thuận lợi trong thực hiện

Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục thực trạng nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài qua nhiều năm được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sáng 5-6.

Sai phạm sau kiểm toán: Trách nhiệm thuộc về đơn vị được kiểm toán

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long). Ảnh: Media.quochoi.vn.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long). Ảnh: Media.quochoi.vn.

Là người đầu tiên chất vấn Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) đề cập việc thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu.

Về vấn đề này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, nhiệm vụ của KTNN là kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đối với những sai sót trong đấu thầu thời gian qua, cụ thể như tại vụ án tiêu cực xảy ra tại hai tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Tổng KTNN khẳng định, 2 đơn vị này không có vốn Nhà nước, không phải là đơn vị được KTNN. Những đơn vị này chỉ liên quan đến tài chính công, tài sản công với tư cách nhà thầu. Do vậy, đơn vị kiểm toán chỉ kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và Ban quản lý dự án.

Quá trình kiểm toán, đều thực hiện cả 3 nội dung: Đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, sự tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư, tài chính công, tài sản công…

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: Media.quochoi.vn.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: Media.quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp nhà nước đã được kiểm toán, Tổng KTNN liệt kê các sai phạm chủ yếu trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, quản lý sử dụng vốn; quản lý doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh và việc phân phối, tái cơ cấu, chuyển đổi...

Với dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm, Tổng KTNN khẳng định, trách nhiệm thuộc về đơn vị được kiểm toán. Do đó, cầntăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, nâng cao trình độ năng lực, ý thức và công tác phối hợp trong thực hiện kết luận kiểm toán.

Tăng cường kiểm tra, giám sát ở mỗi đơn vị được kiểm toán

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh). Ảnh: Media.quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh). Ảnh: Media.quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) về nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu 4 nhóm nguyên nhân: Xuất phát từ đối tượng, đơn vị được kiểm toán (chiếm 59,46%); bên thứ ba (24%); bên kiểm toán (0,4%) và một số nguyên nhân khác (16%).

“Chậm trễ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung, ngoài vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức thì vướng nhiều ở khâu tổ chức thực hiện. Theo đó, ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của người đứng đầu một số nơi còn yếu; tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế”, Tổng KTNN phát biểu.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 5-6. Ảnh: Media.quochoi.vn.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 5-6. Ảnh: Media.quochoi.vn.

Để khắc phục tình trạng này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, thời gian tới, KTNN sẽ quyết liệt nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán thật đúng, trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện; đồng thời, tăng cường việc đôn đốc công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của KTNN.

Tổng KTNN cũng trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang), Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) về về nguyên nhân chính khiến các kết luận kiểm toán chưa được thực hiện tại một số đơn vị cũng như trách nhiệm của bên thứ 3 trong chậm thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Qua đó, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, KTNN sẽ theo dõi, đôn đốc, công khai và tăng cường kiểm tra, giám sát ở mỗi đơn vị được kiểm toán, kịp thời theo dõi, báo cáo ngay với các cơ quan liên quan về trách nhiệm của mỗi bên, trong đó có bên thứ 3 để đôn đốc thực hiện.

"Giải pháp căn cơ nhất là thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được quy định trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 22 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội", Tổng KTNN nói.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và tinh thần xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nội dung thứ 3 của phiên chất vấn đối với Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Media.quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nội dung thứ 3 của phiên chất vấn đối với Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Media.quochoi.vn.

Chất vấn của các đại biểu cụ thể, bám sát nội dung chất vấn. Tổng KTNN lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ý, thuyết phục.

Đã có 35 đại biểu đăng ký và đã được phát biểu chất vấn, trong đó có 1 ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Tổng KTNN, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có những giải pháp hiệu quả để khắc phục bất cập được nêu. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quyet-liet-nang-cao-chat-luong-ket-luan-kien-nghi-kiem-toan-de-thuan-loi-trong-thuc-hien-668424.html