Quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra

Trong 5 năm qua (2016-2020), Thanh Hóa đã có bước tăng trưởng nhanh và đột phá về kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng gấp 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015, đạt 12,1%, vượt mục tiêu đại hội (12%)…

Mốc son tăng trưởng

Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 đạt 131.199 tỷ đồng, gấp 1,77 lần năm 2015, vươn lên vị trí đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt dự toán giao, tăng gấp 2,3 lần so với đầu nhiệm kỳ và vươn lên nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước. Công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn và du lịch phát triển đột phá, đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản còn 10,4% (giảm 7,4% so với năm 2015); công nghiệp - xây dựng chiếm 48,2% (tăng 8,9%); dịch vụ chiếm 32,2% (giảm 6,3%); thuế sản phẩm chiếm 9,2% (tăng 4,8%). Lĩnh vực công nghiệp có bước phát triển đột phá, ngày càng giữ vai trò chủ đạo và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm dự kiến tăng 20,1%, vượt kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020 đạt 144.532 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ.

Thanh Hóa là một trong các tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố: Sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố, đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố, xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố (giảm 1.578 thôn, tổ dân phố); hoàn thành việc sáp nhập 143 xã, thành 67 xã (giảm 76 xã). Việc sáp nhập các xã, thôn, tổ dân phố không chỉ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, mà còn góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách.

Đặc biệt, vào ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là dấu mốc lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra cho Thanh Hóa thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt để phát triển nhanh và bền vững, trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đi kiểm tra tình hình xử lý rác thải tại thị xã Bỉm Sơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đi kiểm tra tình hình xử lý rác thải tại thị xã Bỉm Sơn.

Quyết liệt trong hành động

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều thời cơ, thách thức, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân các dân tộc Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu sau: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP năm 2025: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,8%, dịch vụ chiếm 30,5%, thuế sản phẩm chiếm 9,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750 nghìn tỷ đồng trở lên. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 10% trở lên. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 8 tỷ USD. Đến hết năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp, Đảng bộ, chính quyền tỉnh này đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt là những vấn đề tồn tại trong xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), phát triển vùng kinh tế chuyên canh cây ăn quả…

Cụ thể, chiều 8/1/2021, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra tiến độ triển khai dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn và dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Việc thực hiện các dự án xử lý rác thải rất cấp bách nên cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan. Công ty TNHH Năng lượng môi trường TIANYU Thanh Hóa là đơn vị thực hiện dự án phải có bản cam kết với tỉnh Thanh Hóa đến 31/7/2021, nếu không hoàn thành thủ tục hồ sơ thực hiện dự án sẽ chấm dứt hiệu lực chủ trương đầu tư.

Đối với khối lượng rác tồn đọng hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thị xã Bỉm Sơn lập dự án xử lý khẩn cấp khối lượng rác tồn lưu và mới tập kết trong năm 2021 cho đến khi nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động. Về dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Chủ đầu tư tập trung nhập máy móc, thiết bị và trong quá trình lắp đặt phải đảm bảo an toàn lao động, tránh để xảy ra cháy nổ… Giao cho Sở TNMT giám sát cam kết thực hiện dự án giữa chủ đầu tư với UBND tỉnh.

Tiếp đó, vào sáng 9/1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã đi kiểm tra, nghe báo cáo tình hình triển khai các dự án trong KKTNS. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian tới, cần phải tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, quy hoạch mặt bằng đồng bộ và giải phóng mặt bằng. Các ngành có liên quan của tỉnh, thị xã Nghi Sơn tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư cũng như của người dân để Khu KTNS phát triển hơn nữa.

Đối với các dự án chậm tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BQL KKTNS và các KCN tỉnh giám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong đó, dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp số 3 chậm nhất đến ngày 30/11/2021 phải hoàn thành xây dựng các tuyến đường giao thông trục chính. Dự án đường từ QL1A đến điểm đầu đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn phải cam kết với nhà thầu hoàn thành vào ngày 30-7...

Đảng bộ, chính quyền tỉnh này đang nỗ lực, đồng lòng, đoàn kết, quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2020-2025.

Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quyet-liet-nham-thuc-hien-thang-loi-cac-muc-tieu-de-ra-553095.html