Quyết liệt phòng, chống mại dâm - Kỳ cuối: Tiếp tục đổi mới phương pháp phòng, chống

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ nhưng công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để thực hiện tốt hơn công tác này, các ngành, địa phương cần tháo gỡ những tồn tại, đổi mới hoạt động và huy động sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các ngành chức năng, đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Còn những khó khăn, hạn chế

Thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tạo được chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, trong đó có thể kể đến nguồn lực về con người, kinh phí triển khai thực hiện tại các địa phương còn hạn hẹp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng nhưng hiệu quả chưa cao; người dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc tố giác các hoạt động mại dâm. Công tác cho vay vốn tạo việc làm hỗ trợ người bán dâm hoàn lương chưa được các địa phương quan tâm thực hiện. Qua nắm bắt tình hình, hiện nay, số người nghi vấn hoạt động mại dâm trên địa bàn khoảng 500 người, trong đó đa số từ các địa phương khác đến. Đặc biệt, thông qua các ứng dụng mạng xã hội, các đối tượng hoạt động mua bán dâm dưới dạng nhóm kín với phương thức rất tinh vi, khó phát hiện, gây khó khăn trong công tác đấu tranh, triệt phá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Trong đó có, 1.900 cơ sở lưu trú, 150 nhà hàng, cơ sở karaoke, massage và 5 vũ trường. Trong khi việc quản lý, giám sát số đối tượng hoạt động mại dâm rất khó, vì đối tượng luôn thay đổi địa bàn hoạt động và không đủ cơ sở để xác định là người có hành vi bán dâm mà chỉ xác định họ là gái mại dâm khi bị bắt qua các vụ án trong tỉnh hoặc do các địa phương khác gửi danh sách báo cáo về. Phương thức hoạt động mại dâm phổ biến vẫn là lợi dụng các dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage, các trang mạng xã hội… để giao dịch, hoạt động. Giờ đây, rất ít gái mại dâm đứng đường chèo kéo khách mà họ đã chuyển sang hoạt động tìm kiếm khách trên mạng; người bán dâm không chỉ là phụ nữ mà có cả nam giới, người đồng tính.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm nên chưa chỉ đạo quyết liệt; công tác quản lý, giúp đỡ người bán dâm hoàn lương đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người mại dâm ngoài cộng đồng còn nặng nề. Đây là rào cản khi họ muốn thay đổi hành vi, lối sống, hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, hoạt động của các mô hình thí điểm phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng hiệu quả không cao, đối tượng ít nên không thành lập được nhóm, câu lạc bộ và chưa hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt để tiếp cận với người bán dâm và nạn nhân bị bóc lột tình dục. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa cho đối tượng có nguy cơ cao và việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều hạn chế.

Cán bộ cơ sở trực tiếp trao đổi khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống mại dâm và được đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp, hướng dẫn.

Cán bộ cơ sở trực tiếp trao đổi khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống mại dâm và được đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp, hướng dẫn.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật hiện nay trong phòng, chống mại dâm chưa đồng bộ, chậm hoàn thiện. Trong thực tế, lực lượng chức năng khó xử lý đối với hành vi kích dục, mại dâm đồng tính. Các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người mua, bán dâm còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện còn nhiều bất cập, sơ hở. Cụ thể, một số cơ sở kinh doanh đã bị xử lý về hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm, bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự nhưng cơ sở này chỉ cần thay đổi người đại diện theo pháp luật thì lại được cấp giấy chứng nhận kinh doanh mới…

Triển khai nhiều giải pháp

Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương sẽ đổi mới phương pháp, triển khai nhiều giải pháp phòng, chống phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, đa dạng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, triệt xóa các ổ, nhóm hoạt động mại dâm và các cơ sở kinh doanh dễ nảy sinh loại tệ nạn này. Đồng thời, lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương, như: Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, dạy nghề; công tác phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, các địa phương tích cực xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội; xây dựng các mô hình tại cộng đồng nhằm hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, giáo dục kỹ năng sống... Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội kiểm tra liên ngành 178) các cấp sẽ mở rộng hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra hoạt động mại dâm, trong đó chú trọng kiểm tra đột xuất. Cùng với đó, lực lượng công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, kiểm tra hành chính tại các khách sạn, quán bar, vũ trường, cơ sở karaoke, massage, công ty tổ chức sự kiện… kịp thời phát hiện các trường hợp núp bóng hoạt động mại dâm trá hình để có biện pháp xử lý phù hợp; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tin học, kỹ thuật mạng cho cán bộ, chiến sĩ để đáp ứng công tác phòng, chống tội phạm mại dâm trên không gian mạng…

Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, để công tác phòng, chống mại dâm đạt kết quả cao, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cần tiếp tục quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo hành lang pháp lý cho công tác này trong tình hình mới; tăng cường quản lý đối với các website, trang mạng xã hội và các hình thức khác trên Internet để ngăn chặn tình trạng chào hàng, môi giới bằng các hình thức này. Cùng với đó, tăng cường tập huấn để nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho các địa phương về công tác phòng, chống mại dâm; xây dựng, phát hành tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, tranh ảnh để tuyên truyền cho các địa phương về công tác phòng, chống mại dâm, nhất là các hành vi mới, thủ đoạn mới của các đối tượng trên điện thoại di động, không gian mạng…

ĐỨC NHẬT - VĂN GIANG

Kỳ 1: Những giải pháp mạnh mẽ

Kỳ 2: Chuyển biến tích cực

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202408/quyet-liet-phong-chong-mai-dam-ky-cuoitiep-tuc-doi-moi-phuong-phap-phong-chong-6704c21/