'Quyết liệt sống' - Một lát cắt câu chuyện lịch sử báo chí miền Nam
Đọc 'Quyết liệt sống' về cố nữ nhà báo Nguyễn Minh Hiền chúng ta sẽ thấy đây không chỉ là câu chuyện cá nhân của một người vợ, người mẹ, một đồng nghiệp làm báo mà còn là một lát cắt câu chuyện của lịch sử làng báo miền Nam, làng báo Sài Gòn - TP.HCM trong hơn nửa thế kỷ phát triển.
Quyết liệt sống là một cuốn sách được ra mắt vào dịp 21.6 về cuộc đời và sự nghiệp của cố nhà báo Minh Hiền. Bà Minh Hiền đã làm việc tại nhiều cơ quan báo chí miền Nam, vì vậy thông qua cuộc đời bà, cuốn sách cũng cung cấp tư liệu về lịch sử báo chí một thời.
Cuốn sách do NXB Trẻ phát hành dày hơn 550 trang. Sự dày dặn này đã phần nào nói lên về cuộc đời và sự nghiệp rất phong phú của bà; cũng như tình cảm của gia đình, bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp dành cho bà.
Cuộc đời của bà Minh Hiền đã gắn bó với báo chí cách mạng từ rất sớm. Từ tuổi 13, bà thoát ly gia đình đi kháng chiến, làm việc ở báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà Minh Hiền có mặt từ số báo đầu tiên ngày 20.12.1964 đến số báo cuối cùng vào tháng 7.1976, đây là thời điểm báo Giải Phóng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, sau một thời gian học văn hóa và làm biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, bà Minh Hiền trở lại với sự nghiệp báo chí cho đến cuối đời.
Phản ánh nhiều thông tin về lịch sử báo chí miền Nam
Thông qua cuộc đời và sự nghiệp của bà Minh Hiền cùng chồng và những đồng nghiệp, bạn bè, cuốn sách này phản ánh nhiều thông tin về lịch sử báo chí miền Nam, đặc biệt nhiều tư liệu về báo Giải Phóng và giai đoạn từ Thông tin Công thương đến tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.
Năm 1964, lúc 13 tuổi, bà Minh Hiền đã được chọn làm người chép bản tin đọc chậm của báo Giải Phóng. Không khí đặc trưng thời đó, bạn đọc thời nay khó lòng hình dung được: “trong đoàn lính mới Củ Chi lên đường về R (đại bản doanh của cách mạng miền Nam, trong đó có cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là báo Giải Phóng), cả 32 nam nữ trang phục và trang bị không giống bất cứ đoàn tân binh nào hành quân lên rừng. Áo quần, khăn nón, dép, bình toong nhựa đủ màu xanh đỏ trông giống một đoàn thanh thiếu niên học sinh nông thôn đi trại hè. Đến trạm giao liên Suối Ông Hùng, cả đoàn bị máy bay địch phát hiện, ném bom gần, nhưng chỉ một đợt rồi thôi. Chúng lầm, nếu quan sát kỹ hơn, chắc chúng ném... kẹo mới phải. Trận bom tuy vậy cũng đủ làm cho cả đoàn lính mới ô hợp táo tác, mệt nhoài vì căng thẳng. Thành viên nhỏ yếu nhứt có cô bé không đủ sức đi bộ tiếp tục nên được ông Trần Tâm Trí, người phụ trách tuyển lính cho ngồi ba ga xe đạp của ông. Đó là cô bé quàng khăn đỏ Nguyễn Thị Hiền, sau này là nhà báo Nguyễn Minh Hiền.” … “Về đến tòa soạn, ông thử cho bé Hiền chép tin đọc chậm trên đài phát thanh giải ph óng. Bản tin đọc chậm là cả một bài chánh tả dài nhưng cô bé chép không sai và dễ đọc. Tòa soạn đang cần một nhân viên như vậy để theo dõi tin tức thay thế cho các biên tập viên người lớn tập trung lo nội dung bài vở. Báo đang chuẩn bị ra số đầu tiên, tin chép trên đài là nguồn tin chính thống nhanh nhất lúc bấy giờ”.
“Nhà báo Đinh Phong kể, anh từ miền Bắc vào Nam, được phân công về báo Giải Phóng, ngạc nhiên thấy người báo cáo tin tức trong cuộc họp giao ban là cô bé tuổi quàng khăn đỏ. Thính giả của cô bé toàn là các chú bác lớn tuổi như Kỳ Phương, Trần Tâm Trí, Trần Đình Vân, Tô Quyên, Lê Phan và nhiều nhà báo khác đến từ mọi miền đất nước. Đặc biệt trong số thính giả có cả bác Ba Nghĩa, tức Luật sư Nguyễn H ữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người đứng tên Chủ nhiệm tờ báo. Là phóng viên báo Nhân Dân, Đinh Phong chưa từng thấy cuộc giao ban tòa soạn nào giống như vậy”.
Nhà báo Minh Hiền ghi lại ấn tượng về những ngày đầu bỡ ngỡ: “Buổi tối đầu tiên đó đối với tôi thật kinh hoàng. Vừa ăn cơm chiều tại nhà ăn tập thể B2 về, đêm đã ập xuống. Rừng tối mịt mùng. Tiếng chim kêu vượn hú văng vẳng từ phía suối. Ba đứa chúng tôi quấn lấy nhau. Xuân (sau này là bác sĩ) và tôi ngủ chung võng, nhiều năm sau đó cũng vậy, cho đến lúc hai đứa ở hai đơn vị khác nhau".
Nhà báo Minh Hiền sau này đã được trui rèn từ những ngày đầu làm việc tại báo Giải Phóng như thế. Từ một cô bé chép tin đọc chậm, bà trở thành biên tập viên, phóng viên năng nổ của tờ báo. Bà thích viết bút ký, ký sự và có khao khát học thêm nhiều kiến thức. Trong bức thư gửi chồng vào khoảng năm 73, bà chia sẻ: “… Em tự học tiếng Anh, học khó quá đi anh ạ, em sợ sau này em nói chỉ mình em nghe chứ không ai nghe được, giá như tổ chức cho em đi học vài tháng thì chắc là thích lắm.” Suốt cuộc đời làm nghề về sau, tự học và tự đọc luôn luôn là thói quen của bà (và ông Nguyễn Hồ), để bù cho hoàn cảnh thiếu điều kiện thời niên thiếu. Cũng nhờ tinh thần đó, bà dám dấn thân vào những lĩnh vực mới và đạt được nhiều thành tựu đáng nể.
Sau khi rời báo Đại Đoàn Kết cuối tuần, theo gợi ý của ông Trần Văn Tạo, khi đó là Trưởng ban Tư tưởng Thành ủy, bà Minh Hiền nhận lời làm tiếp tờ Thông tin Công Thương của Hiệp hội Công Thương TP.HCM, khi đó tờ này tạm đình bản đã lâu. Bà đánh giá tờ này có nhiều tác giả tầm chuyên gia, bài viết hay.
Ê kíp ban đầu của tờ báo này chỉ có vài người, nhưng đều tâm huyết, tự tin và có được sự hỗ trợ và tin tưởng của doanh nhân và nhà in báo. Năm 1999, giữa lúc đang nỗ lực và báo Thông tin Công Thương còn chưa xong thủ tục cấp phép, thì bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng phát hiện bà Minh Hiền có khối u ác tính. Có thể nói bà đã chống chọi với bệnh tật vừa tiếp tục làm việc để tờ Thông tin Công Thương vẫn phát hành, là niềm tin của doanh nhân Sài Gòn và bạn bè đồng nghiệp, có doanh thu.
Đến ngày 12.9.2001, số đầu tiên của tờ Doanh nhân Sài Gòn phát hành, in trên khổ báo A3 bề thế, dày 16 trang, trong đó có 9 trang quảng cáo. Trang nhứt in thư chúc mừng của Thủ tướng Phan Văn Khải, trong đó có đoạn “Mong rằng Doanh Nhân Sài Gòn làm tốt nhiệm vụ là diễn đàn của giới doanh nhân, những “chiến sĩ của thời bình” đang giữ trọng trách cùng dân tộc đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, đồng thời là cầu nối giữa doanh nhân với chính phủ, phản ánh tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, góp phần hình thành cơ chế chính sách quản lý kinh tế phù hợp với thực tiễn nước ta và xu hướng phát triển của thời đại”.
Đề xuất ngày 13.10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam
Báo Doanh nhân Sài Gòn thời kỳ đầu còn nhiều trắc trở về giấy phép, và nhiều thử thách khác, cụ thể như địa điểm đặt tòa soạn. Năm 2003 phải chuyển về nhà riêng của ông bà tại đường Nguyễn Thông. Tại căn hộ nhỏ này, trên báo Doanh nhân Sài Gòn, bà Minh Hiền đề xuất lấy ngày 13.10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam, đề xuất này được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt, ghi nhận vai trò lịch sử của giới doanh nhân: "Cũng trên báo Cứu Quốc ngày 13.10.1945, Bác Hồ từng viết: “Cùng các ngài trong giới Công - Thương. Được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay “Công - Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập “Công - Thương cứu quốc đoàn”, cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.
Đến ngày 18.4.2004, Bộ Văn hóa Thông tin cấp phép khai sinh tuần báo Doanh nhân Sài Gòn và Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần. Khi đó bà Minh Hiền đã 52 tuổi, như vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Ngoài từ Doanh Nhân Sài Gòn ra ngày thứ Tư và Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần, các phiên bản, Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng, Nữ Doanh Nhân lần lượt ra đời. Ngay cả khi bà Minh Hiền phải trải qua đại phẫu vào năm 2005 thì công việc vẫn không đình trệ. Các sự kiện vinh danh “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” hằng năm vào dịp 13.10 trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.
Ngày 13.10 do báo Doanh Nhân Sài Gòn đề xuất sau đó đã thành ngày hội của giới doanh nhân cả nước và ngày càng lan tỏa.
Chia sẻ cùng NXB Trẻ về cuốn sách này, ông Nguyễn Hồ nói: “Xưa nay, người ta hay làm thơ tặng vợ, còn tôi làm ‘thơ ký’ cho vợ.” Ngay cả với những người chưa từng biết bà Minh Hiền cũng sẽ rung động trước hành trình 45 năm của hai người, từ “đám cưới giữa rừng”, những đồng cảm sâu sắc trong quan điểm sống và quá trình làm nghề, những chăm sóc lẫn nhau, nhất là trong những năm tháng cuối đời của bà.
Như lời nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, cuốn sách Quyết liệt sống chứa một niềm “yêu thương hiền hòa”, và trong từng dấu mốc cuộc đời, khó lòng tách bạch mà luôn hòa quyện bóng dáng hai người, dù anh Nguyễn Hồ làm cuốn sách này với ý muốn kể lại ý chí sống quyết liệt của vợ chồng nhà báo - chiến sĩ trên rất nhiều chặng lịch sử mà đất nước đi qua. Dùng từ “Quyết liệt sống” mà giới báo chí gọi chị, nhưng đọc xong, thấy hình ảnh của anh như cố tình chìm sâu để đứng sau, làm nổi bật người vợ. Sách có nhiều câu chuyện và chi tiết đời thường, tình gia đình, chồng con với tình yêu thương sâu sắc, tình bạn bè, tình con người phong phú của cuộc đời hai nhà báo. Những ghi chép tỉ mỉ và sâu sắc thật cảm động của Nguyễn Hồ tràn đầy chi tiết đời thật và sâu nặng tình thương gia đình.