Quyết liệt tạo đột phá về tăng trưởng

Dù phải đối diện với không ít khó khăn nhưng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang cho thấy đã có những bước tiến, sự tăng trưởng quan trọng. Kết quả này mở ra những kỳ vọng cho bức tranh kinh tế Cà Mau năm 2024 sẽ có thêm nhiều gam màu sáng.

Năm 2024 là chặng đường nước rút thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau 5 năm (2021-2025), do đó, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm tạo bước đột phá cho nền kinh tế.

Thời gian qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện, đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện, đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ðánh giá khái quát tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng, ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ bản các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, nhất là 3 khu vực kinh tế chính: ngư - nông - lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ.

Ðược xem như "Cà Mau thu nhỏ", huyện Trần Văn Thời là địa phương có nền kinh tế đa dạng và phong phú từ cây lúa cho đến nuôi trồng và khai thác thủy sản... Theo đó, ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, từ đầu năm đến nay huyện đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như thu ngân sách 76,5 tỷ đồng, đạt 60% so với dự toán; đã xây dựng hoàn thành 192 căn nhà ở tránh trú bão cho người dân và 33 căn nhà tình nghĩa cho người có công...

Sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội Cà Mau thể hiện rõ nhất qua tốc độ tăng trưởng 6 tháng mà Tổng cục Thống kê vừa công bố. Theo đó, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) có tốc độ tăng trưởng 6,98%. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng của tỉnh cả năm lại giảm và ước đạt khoảng 6,58%, tức thấp hơn mục tiêu tăng trưởng mà tỉnh đã đề ra trong kế hoạch là 7%. Bởi theo phân tích, nhận định thì những tháng còn lại của năm 2024 tiếp tục có nhiều yếu tố tác động đến nền kinh tế. Một trong số đó là những thách thức đến từ tình hình xung đột leo thang trên thế giới, biến đổi khí hậu gia tăng, doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu lao động, thị trường tiêu thụ giảm...

Những dự báo của tình hình kinh tế thế giới đang tác động đến kinh tế của tỉnh, nhất là khu vực ngư - nông - lâm nghiệp. Ðây là khu vực chiếm đến 1/3 trong nền kinh tế của tỉnh. Hiện nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên dù có tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản dù tăng nhưng chỉ đạt mức 1,7%, so với kế hoạch cả năm là tăng 3%.

Trong 7 tháng đầu năm, riêng sản lượng tôm tăng khoảng 0,8%, vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch.

Trong 7 tháng đầu năm, riêng sản lượng tôm tăng khoảng 0,8%, vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch.

“Việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn huyện hiện vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể như phần lớn các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn có quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, hoạt động trong phạm vi hẹp, các loại hình HTX đa dịch vụ, đa ngành nghề ít; công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ và việc xử lý trong lấn chiếm đất đai chưa được dứt điểm thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, ông Châu nhìn nhận.

Theo kế hoạch đăng ký với tỉnh năm 2024, huyện Thới Bình xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm để tạo đột phá là xây dựng nông thôn mới, xây dựng an ninh nông thôn vững mạnh và phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, hiện nay chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đang gặp khó khăn. Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, mục tiêu đạt huyện nông thôn mới năm nay sẽ không đạt theo kế hoạch; theo dự báo, nếu phấn đấu quyết liệt thì cũng phải đến tháng 6/2025 mới có thể hoàn thành.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn và lao động có kỹ năng... Ðây là nguyên nhân khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 ở mức cao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã có 78 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, 275 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo ông Khanh, đến cuối tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt hơn 34,7%, dù cao hơn so với bình quân chung cả nước nhưng lại thấp hơn so với năm 2023 (44,2%). Từ nay đến hết năm, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là rất nặng nề. Do đó, giải pháp trước mắt đã được tỉnh xác định là đẩy nhanh tiến độ các công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ tỉnh. Ðồng thời, tỉnh cũng đã xác định 11 dự án trọng điểm của tỉnh để đề ra giải pháp và quy định mốc thời gian cụ thể về tiến độ giải ngân.

Ðể tháo gỡ những khó khăn, thách thức, tạo đột phá trong những tháng còn lại của năm 2024, tỉnh đã chọn và xác định 37 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND trong phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính và đầu tư công. Theo đó, để việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này đạt kết quả cao nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo, từng ngành, từng địa phương lựa chọn những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm ưu tiên làm trước; trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, cái gì đã rõ, đúng, đủ thì phải giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quyet-liet-tao-dot-pha-ve-tang-truong-a34073.html