Quyết liệt triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW: ĐHQG Hà Nội đẩy mạnh đột phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ĐHQG Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội, ĐHQG Hà Nội đã nhấn mạnh cam kết xây dựng hệ sinh thái khoa học, công nghệ tiên tiến, tạo động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ngày 3/4, Ban Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội, do ông Lê Minh Hoan - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc, có ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội, cùng các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban, lãnh đạo một số Vụ thuộc Bộ KH - CN. Về phía ĐHQG Hà Nội, có Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Nguyễn Hiệu, các Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn, Đào Thanh Trường, cùng lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, đơn vị thành viên và các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội.

Ban Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội do ông Lê Minh Hoan - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Nguyễn Hiệu nhấn mạnh tiềm lực khoa học và công nghệ (KH - CN) của ĐHQG Hà Nội, với các chính sách đầu tư trọng tâm nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Ông cho biết, ĐHQG Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách để nâng cao năng lực nghiên cứu, đầu tư vào các nhóm nghiên cứu mạnh, cải tiến thủ tục hành chính và thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm KH - CN. ĐHQG Hà Nội cũng chú trọng tháo gỡ khó khăn về sở hữu trí tuệ, thành lập doanh nghiệp KH - CN nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học.
Phó Giám đốc Nguyễn Hiệu nhấn mạnh rằng, ĐHQG Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ về phát triển KH - CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là định hướng chiến lược quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH - CN vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, việc thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới Sáng tạo là bước đi quan trọng giúp ĐHQG Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng hàng đầu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển KH - CN và kinh tế tri thức.
Đánh giá Luật Khoa học & Công nghệ năm 2013
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Khoa học & Đổi mới sáng tạo (KH&ĐMST) Trần Thị Thanh Tú đã trình bày báo cáo về tình hình thực hiện Luật KH - CN năm 2013 và góp ý cho dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Bà đánh giá cao những đổi mới của Luật trong 10 năm qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Các chuyên gia chia sẻ tại buổi làm việc.
Bà Trần Thị Thanh Tú nhấn mạnh những thành công của ĐHQG Hà Nội trong việc triển khai Luật, đặc biệt trong việc xây dựng môi trường nghiên cứu hiện đại và thu hút nhân tài. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra các khó khăn như cơ chế tài chính chưa linh hoạt, hệ thống đánh giá kết quả nghiên cứu chưa đồng bộ, và chính sách đãi ngộ chưa đủ mạnh để thu hút các nhà khoa học tài năng.
Đề xuất điều chỉnh Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo
Trưởng ban KH&ĐMST cho rằng, trong bối cảnh KH - CN phát triển nhanh chóng, cần có những sửa đổi phù hợp để tăng cường đổi mới sáng tạo. Bà đề xuất mở rộng phạm vi tài trợ nghiên cứu, không chỉ giới hạn trong nghiên cứu cơ bản mà còn bao gồm các nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác công - tư trong nghiên cứu khoa học để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà khoa học.

Đoàn công tác đã thăm quan Phòng thí nghiệm của trường ĐH Việt Nhật tại Hòa Lạc.
Bên cạnh đó, bà đề xuất các điều khoản cụ thể hơn về quản lý tài sản trí tuệ, tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học thương mại hóa sản phẩm. Ngoài ra, việc xây dựng các chính sách đặc biệt để hỗ trợ trường đại học phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao cũng là một nội dung cần được bổ sung vào dự thảo Luật.
Theo GS. TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, đề xuất bổ sung cụm từ "đổi mới sáng tạo" vào tên Luật, đồng thời định nghĩa lại khái niệm này để bao gồm cả công nghệ và phi công nghệ, đặc biệt là đổi mới sáng tạo xã hội. Theo ông, nếu không có cách tiếp cận toàn diện, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ tụt hậu so với xu thế phát triển toàn cầu.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác đã tham quan Phòng thí nghiệm của trường ĐH Việt Nhật tại Hòa Lạc và Trung tâm thực hành Tài chính - Ngân hàng SHB. Đây là những cơ sở nghiên cứu hiện đại, thể hiện sự phát triển của ĐHQG Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng KH - CN vào thực tiễn.