Quyết liệt triển khai phòng, chống sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết vẫn đang là một trong những nỗi lo lớn tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với những diễn biến phức tạp trong những ngày qua. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), thời tiết diễn biến phức tạp và năm nay là chu kỳ dịch bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng gia tăng.
Cụ thể hơn, theo thống kê từ CDC Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận hơn 3.900 ca SXH; tăng 1,8 lần so với trung bình 5 năm gần đây. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn. Trong đó một số quận, huyện ghi nhận số ca mắc cao là Thanh Oai, Thanh Trì, Đống Đa, Đan Phượng…
Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Dịch SXH đang tăng mạnh tại Hà Nội, thời tiết mưa nhiều càng tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển. Dự đoán năm nay SXH bùng thành dịch lớn, tập trung vào cuối tháng 10 đến tháng 11 sẽ là “đỉnh” dịch của Hà Nội. Nếu kèm theo đồng nhiễm virus SARS-CoV-2, cúm, Adenovirus, các dịch bệnh mới nổi, tái nổi thì nguy cơ tăng nặng cao. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới hiện nay, số ca mắc SXH chiếm 1/3, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng”.
BSCKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cũng cho rằng: “Tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão sẽ kéo dài trong tháng 10, 11, 12, do đó, bệnh SXH cũng sẽ kéo dài theo và dịch bệnh không chỉ đỉnh dịch vào tháng 10, mà có thể vào giữa tháng 10, tháng 11. Bên cạnh đó, theo chu kỳ thông thường của dịch SXH tại nước ta thì cứ sau 3-5 năm sẽ lại có 1 năm dịch bùng phát. Trước đó là năm 2017 và năm nay nhiều chuyên gia dự đoán sẽ là năm dịch tăng mạnh theo chu kỳ. Do vậy, tuy công tác phòng, chống dịch bệnh SXH được triển khai từ đầu năm nhưng cần tập trung quyết liệt vào tháng 10, 11,12 để hạn chế số ca mắc, chuyển biến nặng và tử vong. Bên cạnh đó, địa bàn thành phố rộng, quá trình đô thị hóa, kết cấu khu dân cư tập trung, nhiều ngõ, ngách nhỏ, dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng lớn, nhỏ, nhiều khu nhà trọ, chợ truyền thống, nhiều khu đất trống... Do đó, nếu người dân chủ quan, lơ là, không có ý thức thì dịch bệnh sẽ bùng phát, khi xuất hiện dịch khả năng lây lan và bùng phát sẽ nhanh”.
Được biết, trên địa bàn tất cả các quận, huyện của Hà Nội, công tác phòng, chống dịch SXH đang được đẩy mạnh với tinh thần tập trung, quyết liệt.
Thông tin với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm y tế quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận Đống Đa ghi nhận 368 ca mắc SXH, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân được phát hiện trên cả 21/21 phường trong quận với tổng 44 ổ dịch - tăng 1,05 lần so với cùng kỳ năm 2021 và hiện nay còn 15 ổ dịch đang hoạt động. Hiện quận chưa ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong”.
Được biết, ngay từ khi dịch bệnh SXH có những diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, quận Đống Đa đã có những bước chuẩn bị kết hợp với dự đoán từ các chuyên gia y tế để phòng ngừa dịch bệnh. “Quận đã triển khai 4 đợt vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy với tổng số 75 chiến dịch tại 21/21 phường. Tổ chức 32 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, khu vực có bệnh nhân và các khu vực có nguy cơ cao. Trong những ngày sắp tới, chúng tôi đã có kế hoạch tiếp tục triển khai đợt 5 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất trên diện rộng diệt muỗi trưởng thành tại tất cả các phường trên địa bàn quận. Đợt 5 này sẽ bao gồm 21 chiến dịch phun hóa chất và 21 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy” - ông Thành thông tin.
Ghi nhận thực tế tại một số phường trên địa bàn quận Đống Đa, có thể nhận thấy người dân đã có ý thức vệ sinh môi trường, hạn chế tình trạng ẩm thấp hay những vật dụng có thể chứa nước làm nơi sinh sản cho muỗi gây bệnh.
Chị Đặng Thùy Linh (34 tuổi, ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Thực tế, nơi tôi sinh sống cũng là khu vực chợ hoạt động nên từ trước đến nay, việc giữ gìn vệ sinh khó hơn nhiều những nơi khác, những vũng nước bẩn, những vật dụng có thể làm nơi sinh sản cho muỗi cũng có khả năng nhiều hơn những nơi khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây mọi người cũng được biết thông tin dịch bệnh đang phức tạp, thêm nữa cũng được tuyên truyền hướng dẫn về các phòng bệnh nhiều nên đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung”.
Để phòng, chống SXH, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu ngành Y tế các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH trên địa bàn.
Theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế, Hà Nội và TPHCM cần đẩy mạnh, chú trọng hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch SXH nhằm hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong trên địa bàn.
Khánh Hòa: Số ca nhập viện vì sốt xuất huyết tăng mạnh
Ngày 2/10, Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, trong mấy tuần qua, Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc SXH nhập viện điều trị, số bệnh nhân SXH điều trị nội trú tại bệnh viện này có ngày lên tới 50 đến 60 người/ngày.
Theo BSCKI Đặng Quý Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh SXH bùng phát trở lại trên địa bàn thị xã Ninh Hòa cao, với số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tăng lên rõ rệt.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, bệnh viện đã tiếp nhận 143 ca, trong đó có 2 ca nặng và 3 ca cảnh báo, trong tháng 7 ghi nhận 117 ca, trong đó có 8 ca nặng, 14 ca cảnh báo. Đến tháng 8, có 162 ca nhập viện, trong đó 10 ca nặng, 13 ca cảnh báo, đặc biệt có 4 ca nặng phải chuyển viện. Trong 20 ngày đầu tháng 9, khoa ghi nhận 161 ca, trong đó 17 ca nặng, 14 ca cảnh báo và chuyển viện 3 ca.
Các bệnh nhân đều cư trú rải rác ở tất cả các xã, phường của thị xã, trong đó nhiều nhất là xã Ninh Bình (64 ca), phường Ninh Đa (58 ca), Ninh Phước,… Số bệnh nhân nhập viện mắc SXH thường tập trung ở nhóm đối tượng trẻ em. Những trường hợp có chuyển biến nặng và cảnh báo thường rơi vào trẻ thừa cân, phụ nữ mang thai và người có bệnh lý nền.
Những trường hợp nặng, vượt quá khả năng sẽ được bệnh viện chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa trong việc kiểm soát dịch bệnh, phun hóa chất để phòng bệnh cho người dân.
Xuân Hiếu
Không thể xem thường khi trẻ em mắc sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên, nếu chủ quan bệnh có thể diễn tiến nặng đến tình trạng sốc nặng, dễ dẫn đến suy tim, suy gan, suy thận. Đặc biệt đối với trẻ em, SXH là căn bệnh không thể xem thường vì nó có thể khiến trẻ tử vong.
Để biết trẻ có bị SXH hay không, phụ huynh cần để ý khi trẻ đang khỏe mạnh bình thường mà bị sốt cao đột ngột từ ngày thứ 2 trở lên thì có thể đây là trường hợp SXH, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế địa phương để kiểm tra.
Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc SXH tại nhà, phụ huynh lưu ý bổ sung đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch, hạ sốt cho trẻ. Cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Đó là nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống,... thì cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện, tránh chậm trễ khiến trẻ có thể bị sốc SXH.
Cần sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể và người dân để phòng, chống dịch bệnh
Công tác phòng, chống dịch bệnh SXH chỉ ngành y tế vào cuộc chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cần huy động các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, công trường, trường học, người dân tham gia vào hoạt động chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, thực hiện loại trừ ổ bọ gậy. Đối với chủ gia đình có nhà cho thuê trọ cần hướng dẫn, quán triệt người đến thuê nhà, phòng trọ chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH...
Đặc biệt, ý thức của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động dọn vệ sinh làm sạch trong nhà mình, làm sạch cảnh quan môi trường xung quanh, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, không có dụng cụ chứa nước, không có ổ bọ gậy, không có muỗi, không có dịch bệnh SXH. Đơn giản, mỗi ngày, mỗi người chỉ cần bỏ ra 5-10 phút chủ động loại trừ ổ bọ gậy như tất cả dụng cụ trong nhà các phế thải không dùng đến cần thu gom, tiêu hủy; dụng cụ dùng chứa nước cần cất không để nước ứ đọng; bể chứa nước cần có nắp đạy kín và thường xuyên thả cá vào bồn nước và các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy; phế thải ngoài vườn, nơi công cộng như lốp xe, vỏ hộp nhựa, túi bóng... cần thu gom xử lý triệt để. Điển hình như xã hội phát triển, người dùng hộp nhựa, xốp đựng thức ăn rất nhiều, nếu không được thu gom, xử lý mà vứt bừa bãi, thì sau cơn mưa, nước mưa ứ đọng trong đó, muỗi đẻ trứng, xuất hiện bọ gậy, sẽ có nguy cơ xảy ra SXH... Do đó, loại trừ ổ bọ gậy sẽ duy trì được bền vững phòng, chống SXH. Đồng thời, ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; khi mắc bệnh, có biểu hiện sốt, nghi ngờ SXH, cần thông báo ngay cho y tế cơ sở để cán bộ y tế nắm bắt được thông tin và có những tư vấn, hướng dẫn phòng và điều trị kịp thời...
Đức Trân (ghi)