Quyết liệt trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử
Để đẩy nhanh lộ trình xây dựng, vận hành chính quyền điện tử, tỉnh tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông, CNTT đầu tư nâng cấp, mở rộng, phát triển hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện đại, đồng bộ. Tỉnh giao người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Để đạt mục tiêu tỉnh đề ra trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, hiện nay các ngành, các địa phương trên toàn tỉnh đều tập trung thực hiện các nhiệm vụ thiết thực, trọng tâm phù hợp với hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.
Tại Xuân Trường, từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đẩy mạnh các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền, chú trọng kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nhất là sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chữ ký số để phát hành văn bản trên trục liên thông quốc gia, tỉnh, huyện. Từ ngày 1-1-2021, UBND huyện không tiếp nhận văn bản giấy từ UBND các xã, thị trấn (trừ các văn bản mật và một số văn bản khác theo quy định pháp luật khác không thực hiện trên môi trường mạng). Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn phân công công việc cụ thể cho công chức chuyên môn phụ trách Trang thông tin điện tử xã, chủ động đăng tải các nội dung điều hành của các cấp chính quyền, các thông tin hữu ích, thiết thực trên Trang giúp người dân dễ dàng tra cứu và nắm bắt nội dung; duy trì việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và giải quyết TTHC liên thông các cấp. Năm 2021, huyện Hải Hậu tập trung cải thiện, nâng cấp hạ tầng thiết bị, trình độ, chất lượng nhân lực ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, đầu tư hệ thống máy vi tính, đảm bảo cho cán bộ, công nhân, viên chức cấp huyện đạt tỷ lệ 1 máy/người; 100% lãnh đạo chủ chốt cấp xã, thị trấn và mỗi phòng làm việc có một máy tính và 1 máy in trở lên; 100% máy tính được kết nối internet và mạng lan (trừ máy tính được sử dụng để xử lý văn bản mật và có phương án đảm bảo an toàn, an ninh thông tin). UBND huyện bố trí ít nhất 3 cán bộ chuyên trách về CNTT, mỗi UBND xã, thị trấn bố trí ít nhất 1 cán bộ phụ trách việc triển khai ứng dụng. Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức của UBND huyện và cán bộ phụ trách về CNTT của UBND các xã, thị trấn; tập trung cải tiến quy trình, công việc, thủ tục, chuẩn hóa nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ISO trong cơ quan hành chính Nhà nước; đảm bảo 100% cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp được cung cấp và triển khai sử dụng chữ ký số trong hoạt động công vụ. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử để đạt mục tiêu kết nối liên thông, gửi nhận, xử lý văn bản điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành các cấp theo quy định. Phấn đấu trong năm 2021: 20% tỷ lệ báo cáo định kỳ, không bao gồm nội dung mật được gửi, nhận qua hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; rút ngắn 30-50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử; tối thiểu thực hiện trực tuyến 1 cuộc họp/tháng UBND huyện với UBND xã, thị trấn. Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các TTHC công, huyện đảm bảo 100% Trang thông tin điện tử của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định; tích hợp 60% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 30% mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công của tỉnh. 100% hồ sơ giải quyết TTHC của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, trong đó tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Huyện cũng tập trung ứng dụng, phát triển, nâng cấp một số dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa một số lĩnh vực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bao gồm: một số dịch vụ về du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh. Tại thành phố Nam Định, hiện đang ưu tiên kết hợp các nguồn lực hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; thực hiện chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng điểm; xây dựng hệ thống camera giám sát và quản lý đô thị thông minh; tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch. Trong đó, tập trung triển khai bước đầu thí điểm dịch vụ đô thị thông minh gồm: thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; triển khai có hiệu quả việc họp trực tuyến và không giấy tờ tại các đơn vị trực thuộc tại UBND thành phố; triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại 25 phường, xã; triển khai bộ giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận chính quyền điện tử tại 2 phường Quang Trung, Thống Nhất và 4 trường tiểu học, trung học (Kim Đồng, Chu Văn An, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ).
Ở cấp tỉnh tập trung cho nhiệm vụ tích hợp cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, đã chủ động tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục; xây dựng, đảm bảo Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh đáp ứng khả năng tích hợp các dịch vụ công với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia. Tỉnh giao Sở TT và TT quản lý, cài đặt, giám sát, vận hành, kết nối Cổng Cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng quốc gia đảm bảo thông suốt, an toàn thông tin 4 lớp và thực hiện đúng quy định về lưu trữ, sao lưu dữ liệu. Hiện nay các TTHC cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4 đã được điều chỉnh, nâng cấp, hoàn thiện để đảm bảo đáp ứng việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng theo quy định và đảm bảo tích hợp dịch vụ công mức độ 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ TTHC tỉnh gồm 1.671 thủ tục, đã được đơn giản hóa và được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định. Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đang cung cấp 1.252 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, gồm: cấp tỉnh 750 dịch vụ, cấp huyện 238 dịch vụ, cấp xã 127 dịch vụ; đã có 7 sở (KH và ĐT, GD và ĐT, VH, TT và DL, TT và TT, LĐ-TB và XH, Ban Quản lý các KCN) và 6 huyện, thành phố (Nam Định, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc) cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỉnh cũng đã kết nối, tích hợp, dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia (nền tảng Payment Platform) và nền tảng thanh toán trực tuyến của Bộ TT và TT (nền tảng Paygov) để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế trong giải quyết TTHC và dịch vụ công theo đúng quy định, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT và TT. Việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết dịch vụ công từ Cổng quốc gia cũng như tiếp nhận từ Cổng dịch vụ công của tỉnh và nộp về Cổng quốc gia được tích cực thực hiện đúng quy trình, quy định.
Để đẩy nhanh lộ trình xây dựng, vận hành chính quyền điện tử, tỉnh tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông, CNTT đầu tư nâng cấp, mở rộng, phát triển hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện đại, đồng bộ. Tỉnh giao người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; gắn mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành. Yêu cầu mỗi huyện, thành phố chủ động lựa chọn một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Đồng thời, chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết và cấp thiết của chuyển đổi số; từ đó tích cực tìm hiểu, chủ động tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, các giao dịch thương mại... trên nền tảng kinh tế số./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy