Quyết liệt xử lý tình trạng lãng phí công sản
Thời gian qua, mặc dù Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hồi, sắp xếp lại nhà đất công sản, nhưng trên địa bàn vẫn còn nhiều vị trí nhà đất, mặt bằng bỏ trống, cho thuê sai mục đích hoặc bị chiếm dụng,… gây lãng phí và thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Trong 108 khu nhà đất công do Công ty Công ích Quận 1 quản lý thì có đến 33 địa chỉ bỏ trống, trong đó có bảy vị trí bỏ không hơn 12 tháng ở các tuyến đường có vị trí đắc địa của Quận 1 như: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Bùi Viện...
Lãng phí nghiêm trọng
Trong kết luận thanh tra mới đây, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu rõ, Công ty Công ích Quận 1 đã cho 3 doanh nghiệp thuê 6 địa chỉ nhà, đất công, và mặc dù đã hết thời hạn thuê nhưng không chịu bàn giao lại mặt bằng, không thanh toán tiền thuê nhà trong nhiều năm, tổng số tiền lên tới hơn 20 tỷ đồng. Đó là các công ty cổ phần: Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn 1, Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Xuất nhập khẩu Tổng hợp II.
Cụ thể, tại địa chỉ nhà đất số 131 Calmette (phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1) có diện tích 519 m2, diện tích sàn sử dụng 499 m2, do Công ty cổ phần Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn thuê sử dụng. Dù đã hết thời hạn thuê nhiều năm nay, công ty này còn cho thuê lại, thu tiền của đối tác từ nhiều năm, nhưng luôn viện cớ gặp khó khăn trong kinh doanh để né tránh nộp khoản tiền thuê nhà và cũng không trả lại nhà đất, không cam kết thời hạn khắc phục.
Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, các doanh nghiệp chiếm giữ tài sản nhà, đất của Nhà nước và không chịu thanh toán tiền thuê nhà, đất là hành vi trái pháp luật, tiềm ẩn rủi ro thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng), trung tâm đang quản lý 44 địa chỉ nhà đất công, trong đó có đến 39 địa chỉ bỏ trống. Tài sản công giá trị lớn đang để lãng phí là 3.790 căn hộ tái định cư bị bỏ trống tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã nhiều lần có kế hoạch bán đấu giá số căn hộ nêu trên nhưng vẫn chưa thực hiện được. Các căn hộ đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.
Tại huyện Cần Giờ, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh xác định, gần 14,3 tỷ đồng đã thanh toán cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư của 11 dự án xây dựng nông thôn mới tại xã Lý Nhơn có nguy cơ bị thất thoát, lãng phí. Các dự án này dù đã hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư; Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ ban hành các quyết định phê duyệt, báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ban Quản lý dự án huyện Cần Giờ cũng đã thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát thi công; ký hợp đồng thi công, tư vấn giám sát thi công từ năm 2019,…. Tuy nhiên, đến nay, 11 dự án đang phải ngừng thi công do không có mặt bằng để triển khai.
Tại Quận 12, Công ty Công ích Quận 12 cũng bị nêu các vi phạm khi chưa thực hiện đầy đủ việc đôn đốc thu hồi nợ; chưa đối chiếu công nợ định kỳ các khoản nợ phải thu phát sinh từ trước năm 2022; chưa thực hiện xử lý đối với các khoản nợ phải trả phát sinh từ trước năm 2022; việc lưu giữ chứng từ, hồ sơ không đầy đủ, thực hiện không đúng quy định,… Bên cạnh đó, đơn vị này còn áp dụng đơn giá từ năm 2010 để ký hợp đồng thuê nhà với 13 hộ dân dẫn đến phải truy thu tiền thuê chênh lệch để tránh thất thu ngân sách. Ngoài ra, có 3/5 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do đơn vị quản lý để trống hoặc chưa khai thác hiệu quả.
Giải pháp nào xử lý dứt điểm?
Theo bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tổng quỹ nhà đất công thuộc phạm vi điều chỉnh theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công mà thành phố đang quản lý là 9.295 địa chỉ, trong đó cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp quản lý 7.297 địa chỉ, khối doanh nghiệp quản lý 1.998 địa chỉ. Ngoài ra, thành phố còn có 2.380 nhà, đất với tổng diện tích hơn 530 ha thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý nhưng chưa kê khai, xác lập.
Để tránh lãng phí tài sản nhà đất công, trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực đưa việc quản lý, sử dụng nhà đất công vào nền nếp, tách biệt được giữa nhà ở, đất ở với công sở, nhiều cơ sở nhà đất chuyển giao cho các địa phương xử lý theo quy định. Tuy nhiên, việc quản lý nhà đất công tại một số đơn vị vẫn thiếu chặt chẽ, sử dụng không đúng mục đích, để nợ đọng tiền cho thuê nhà, đất kéo dài, khó thu hồi,… gây lãng phí nhà, đất công. Công tác quản lý còn chồng chéo, chưa thống nhất và đồng bộ, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao.
Nói về nguyên nhân dẫn đến nhiều địa chỉ nhà đất công không được sử dụng gây lãng phí, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành mức giá cho thuê tối thiểu đối với nhà, đất công phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố không có cơ sở ban hành biểu giá cho thuê nhà, đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn, Sở Xây dựng đã kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đề án thực hiện thí điểm đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại xử lý theo Nghị định số 167 để quản lý nhà, đất công có hiệu quả, bảo đảm tính công khai, minh bạch và giá cho thuê phù hợp với giá thị trường, tránh lãng phí nguồn lực tài sản công.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu cấp ủy các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 11/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước; kiên quyết thu hồi những địa chỉ nhà đất bỏ trống, cho thuê sai mục đích và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm,…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-liet-xu-ly-tinh-trang-lang-phi-cong-san-post844048.html