Quyết liệt xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Trước tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là vi phạm trong việc chấp hành các quy định về sử dụng đất nông nghiệp, Thành ủy, UBND TP Hải Dương đã có những chỉ đạo, giải pháp và hành động quyết liệt nhằm chấn chỉnh, xử lý.
Thực hiện Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương, từ ngày 1-12-2019, địa giới hành chính TP Hải Dương được mở rộng sau khi sáp nhập 5 xã của các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ và Gia Lộc. Đây là điều kiện quan trọng để thành phố triển khai xây dựng, phát triển không gian đô thị theo định hướng hình ngôi sao với cấu trúc đa cực hướng tâm và phát triển bền vững với 5 mục tiêu: Đô thị công thương-Đô thị sống khỏe-Đô thị sáng tạo-Đô thị đẹp, thân thiện với con người-Đô thị an toàn, an tâm. Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, TP Hải Dương tiến hành thực hiện điều chỉnh quy hoạch các xã mới sáp nhập theo hướng đô thị gắn với nguyên tắc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của mỗi địa phương; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; tăng cường các thiết chế văn hóa, dịch vụ công ích, hạ tầng xã hội...
Trong quá trình đó, thành phố cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại, trong đó có tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai. Theo ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương, các vi phạm chủ yếu liên quan đến việc chấp hành quy định sử dụng đất nông nghiệp, gồm: Sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất công nhưng không được ngăn chặn kịp thời; mua bán, chuyển nhượng đất không đúng quy định; cho thuê, mượn đất sử dụng trái phép; không thực hiện đầy đủ kết luận thanh tra; đất được giao không sử dụng, để hoang hóa; chưa hoàn thành cấp giấy chứng nhận sau dồn ô, đổi thửa... Ngoài những tồn tại từ trước khi sáp nhập, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này còn do tốc độ đô thị hóa nhanh; công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Một số xã, phường đã được thanh tra, kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm nhưng không rút được kinh nghiệm, tiếp tục để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý về đất đai; có một phần do năng lực và nhận thức còn hạn chế của người đứng đầu, cán bộ địa chính-xây dựng ở xã, phường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Liên Hồng, TP Hải Dương là một trong những địa bàn nóng nhất về vi phạm pháp luật đất đai. Năm 2021, qua rà soát, thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương, cả thành phố có 117 trường hợp vi phạm thì riêng xã Liên Hồng có đến 63 trường hợp. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP Hải Dương, năm 2021, xã đã tháo dỡ 27 công trình vi phạm; ra quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả đối với 4 trường hợp, còn lại 32 trường hợp.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Liên Hồng cho biết: “Năm vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và xã cũng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, phần việc do thành phố giao liên quan đến đất đai nên công tác xử lý bị chậm. Bên cạnh đó, quy trình xử lý vi phạm đất đai phức tạp, mất nhiều thời gian, đối tượng vi phạm thường chống đối, cố tình không phối hợp với cơ quan chức năng để gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm nên chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Dự kiến, xã sẽ tiến hành xử lý xong 20 trường hợp trước quý III-2022; còn lại 12 trường hợp khó khăn, phức tạp sẽ xong trong quý IV. Tính từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã vận động 7 gia đình tự tháo dỡ công trình vi phạm”. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương thông tin: “Chúng tôi sẽ nắm bắt, theo dõi và đôn đốc tiến độ thực hiện của các phường, xã, phòng, ban có liên quan; tham mưu cho UBND thành phố về việc kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ này. Đồng thời, kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố khi có khó khăn, vướng mắc”.
Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và xử lý vi phạm về đất đai, ngày 4-10-2021, UBND TP Hải Dương có Chỉ thị số 4/CT-UBND yêu cầu làm rõ mối quan hệ giữa công chức địa chính, giao thông xây dựng với tổ kiểm tra quy tắc đô thị, tránh tình trạng không nắm bắt được nguồn gốc, mục đích của thửa đất có vi phạm về xây dựng dẫn đến kiểm tra, ngăn chặn không kịp thời, xử lý vi phạm hành chính mang tính chiếu lệ, đối phó, không đúng với tính chất, mức độ vi phạm. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với cán bộ, công chức có hành vi bao che, tiếp tay cho vi phạm hoặc năng lực, trình độ nhận thức về quản lý đất đai yếu kém. Mới đây, trong cuộc họp của Thường trực Thành ủy về việc lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long yêu cầu: “Trong việc xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn thời gian qua, nhiều vụ việc còn kéo dài, chưa dứt điểm nên không tạo được sức răn đe. UBND thành phố cần rà soát kỹ số vụ việc vi phạm, gắn trách nhiệm đối với từng cá nhân để xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qua đó phát huy vai trò giám sát của người dân, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm ngay từ khi phát sinh để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý”.