Quyết liệt xử lý vi phạm về tải trọng trên các tuyến đê
Sau một thời gian 'im ắng', gần đây tình trạng xe quá tải trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục tái diễn, nhất là trên các tuyến đê. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Công an tỉnh Ninh Bình đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện trên các tuyến giao thông và các tuyến đê.
Theo ghi nhận của phóng viên tại tuyến đê hữu Đáy đoạn thuộc xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, vào những ngày cuối tháng 6, tình trạng xe quá tải hoạt động khá phổ biến. Dọc tuyến đê có biển báo giới hạn tải trọng 10 tấn, nhiều xe có tự trọng lên đến 17, 18 tấn vẫn lưu thông trên đê. Một số phương tiện chở hàng có biểu hiện quá tải trọng và không có bạt che chắn.
Không chỉ riêng đê hữu Đáy mà một số tuyến đê khác trên địa bàn tỉnh như đê Hoàng Long, đê Đầm Cút... tình trạng xe quá tải cũng diễn ra khá phổ biến, thậm chí tại một số tuyến đê, còn có tình trạng các đối tượng phá hủy những trụ bê tông hạn chế phương tiện lớn để cố tình lưu thông qua.
Trao đổi vấn đề này, thiếu tá Lã Phú Mạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Việc kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến giao thông nói chung và tuyến đê nói riêng luôn là một trong những nhiệm vụ được Công an tỉnh quan tâm hàng đầu, các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên phân công lực lượng tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, trong khi trên địa bàn có nhiều tuyến giao thông đường bộ và đê điều nên để kiểm soát khép kín địa bàn 24/24h trên các tuyến đê gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại các cảng không có đường riêng để đi lại mà buộc phải sử dụng một phần đê để vận chuyển vật liệu, hàng hóa; trong đó, có sử dụng nhiều phương tiện vận tải lớn, đặc biệt là các xe trộn bê tông, mặc dù không chở quá tải trọng xe nhưng tải trọng toàn phần vẫn vượt quá tải trọng cho phép trên đê.
Nhiều phương tiện có tải trọng quá khổ, quá tải vẫn lưu thông trên các tuyến đề.
Đặc biệt, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng là chủ xe, bến, bãi, lái xe thường cho người cảnh giới, theo dõi hoạt động tuần tra, kiểm soát của các tổ công tác để né tránh thời gian vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đê. Bên cạnh đó, biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đê chưa đầy đủ và thiếu hợp lý.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đại diện Công an tỉnh cho biết: Từ tháng 5, Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tăng cường công tác xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện trên các tuyến giao thông, trọng tâm là trên các tuyến đê. Tại hội nghị, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo mỗi đơn vị liên quan thành lập ít nhất 1 tổ tuần tra, kiểm soát lưu động để kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng trên các tuyến đê, bảo đảm khép kín địa bàn, thời gian 24/24h.
Trong đó, riêng đối với tuyến đê hữu sông Đáy, Giám đốc Công an tỉnh giao Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với Công an huyện Yên Khánh thành lập tổ công tác tuần tra kiểm soát 24/24h, bố trí cân tải trọng di động để kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải đi trên đê và giao Công an huyện Yên Khánh thực hiện duy trì tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, kiên quyết không để tái diễn tình trạng trên.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đê. Từ ngày 6/6, Phòng đã thành lập tổ công tác tuần tra, xử lý vi phạm 24/24h tại tuyến đê hữu sông Đáy và phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp tham gia kiểm tra, chỉ đạo hoạt động của tổ.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 5/5 đến ngày 10/7, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý 653 trường hợp vi phạm tải trọng trên các tuyến đê, phạt tiền 2.612.000.000 đồng; lỗi vi phạm chủ yếu là tự trọng phương tiện vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê. Qua đó, góp phần răn đe, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải.
Tuy vậy, quá trình kiểm soát, các tổ công tác còn gặp những khó khăn, bất cập. Theo chia sẻ của đại diện tổ công tác làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện tại đê hữu sông Đáy: Từ khi tổ công tác làm nhiệm vụ 24/24h, chủ phương tiện vận tải lại diễn cảnh "án binh bất động", tạm dừng hoạt động. Do vậy, việc phát hiện, xử lý vi phạm đôi khi chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Điều đáng nói, theo quy định, các tuyến đê không thuộc tổ chức giao thông đường bộ, vì vậy trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng chỉ áp dụng xử lý theo Nghị định 104/2017-NĐ/CP với mức phạt cho hành vi chở quá tải trọng cho phép là 4 triệu đồng - mức phạt không đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
Để giải quyết triệt để, hiệu quả tình trạng vi phạm trên, thiếu tá Lã Phú Mạnh cho biết: Hiện, Công an tỉnh đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông, Vận tải và UBND các huyện, thành phố khắc phục các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo, biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đê, nhằm phục vụ công tác xử lý vi phạm và tạo thuận lợi cho phương tiện tham gia giao thông.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình trên các tuyến, địa bàn, khung giờ, quy luật hoạt động, đối tượng cần tập trung để xây dựng phương án, kế hoạch bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao nhất.
Tổ chức rà soát, tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT, nhất là quy định về tải trọng phương tiện, an toàn đê điều đối với 100% các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe trên địa bàn.