Quyết sách giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được xem là một quyết sách đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN. Thời điểm này, chương trình được triển khai thực hiện đã bước đầu phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS...
Những kết quả quan trọng
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, từ đầu năm 2023 đến nay, đồng bào các DTTS cùng với nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của tỉnh. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS thường xuyên được củng cố; kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đời sống, thu nhập cải thiện đáng kể. Đến nay, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS cơ bản ổn định với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cây cao su, keo lá tràm, điều, tiêu, nho, thanh long… và một số loại cây ăn quả được đồng bào chú trọng mở rộng diện tích, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS (17 xã thuần) là 21,07 triệu đồng/người/năm, bằng 52,41% thu nhập bình quân toàn tỉnh. Về kết quả công tác giảm nghèo, tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo DTTS còn 2.801 hộ, chiếm 10,78% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 32,35% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS. Ảnh: N.Lân
Bên cạnh đó, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tỷ lệ học sinh bỏ học vùng đồng bào DTTS giảm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; có trên 400 em là người DTTS đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Mặt khác, 17/17 xã thuần đồng bào DTTS có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Qua đó, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, tích cực tham gia thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Riêng đối với việc triển khai thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN. Nửa đầu năm 2023, huyện Hàm Thuận Bắc đã nâng cấp đường vào Khu sản xuất Đan Sách và các tuyến đường liên thôn, liên xóm thôn 2 - xã Đông Giang; kè chống xói mòn, sạt lở sông Do và công trình chỉnh trang khuôn viên, vườn hoa, Trường TH & THCS Đông Tiến và mẫu giáo xã Đông Tiến; kiên cố hóa kênh mương nội đồng khu D, Bàu Tháp - xã Thuận Hòa...
Đối với dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú về “Năng lực lập kế hoạch, điều hành hoạt động, tổ chức học sinh dân tộc ở nội trú” và “Kỹ năng ứng phó căng thẳng, kiềm chế cảm xúc cho học sinh dân tộc các trường phổ thông dân tộc nội trú”... Về dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, hiện nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đang tổng hợp đề xuất của các huyện và triển khai thực hiện các bước theo quy định về mua sắm trang thiết bị nội dung “Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao đối với các nhà văn hóa, khu thể thao thôn vùng đồng bào DTTS&MN” trong năm 2022.
Phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên
Thời gian tới, để chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN triển khai đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng mục đích, đúng quy trình quy định; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để đồng bào DTTS tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập, bước đầu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS từ nguồn vốn hỗ trợ c ủa Trung ương, từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ xã hội; gắn kết phát triển kinh tế giữa các địa phương. Tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững. Ngoài ra, từng bước phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS, đầu tư các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Riêng đối với từng dự án, tiểu dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; cam kết về tiến độ giải ngân, chất lượng hiệu quả nguồn vốn đầu tư thuộc chương trình. Đồng thời, bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS...