Quyết tâm cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đô thị, kinh tế đô thị
Sáng 1-8, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về 'Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025' (Chương trình số 03-CTr/TU) chủ trì Hội nghị giao ban quý II-2023 nhằm đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2023.
Dự hội nghị còn có các đồng chí: Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố; các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ngành và quận, huyện, thị xã của thành phố.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị
Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy tiếp tục được tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Qua đó, tạo bước chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về công tác chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị của thành phố là nhằm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo Chương trình đã sớm ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm công tác năm 2023 làm cơ sở chỉ đạo các đơn vị thực hiện chương trình trong năm 2023; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đến tháng 6-2023, thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu; dự kiến đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành 14/19 chỉ tiêu. Hiện nay, Ban Chỉ đạo đã phân loại các chỉ tiêu còn khó khăn, vướng mắc (5/19 chỉ tiêu) để chỉ đạo tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên; đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Cụ thể, với chỉ tiêu “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại”, đến nay, thành phố đã tổ chức rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư của 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đã có 2 dự án hoàn thành thi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác là Nhà 3A Quang Trung (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), Dự án Cải tạo khu chung cư cũ L1, L2 (khu Nam Thành Công, số 93 Láng Hạ, quận Đống Đa); đang tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện 9 dự án.
Với chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954”, từ năm 2021 đến nay, các đơn vị đã thực hiện xong việc bảo tồn, chỉnh trang 12 biệt thự cũ và 7 công trình kiến trúc khác. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch để tiếp tục thực hiện bảo tồn, chỉnh trang 24 biệt thự (dự kiến vượt chỉ tiêu của Chương trình) và 8 công trình kiến trúc khác; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các quận thực hiện bảo trì, cải tạo, sửa chữa biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954.
Thực hiện chỉ tiêu trồng mới 500.000 cây xanh đô thị (trong tổng số 3,5 triệu cây xanh trồng mới toàn thành phố), từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận, thị xã và 5 huyện có đề án lên quận đã trồng được 117.200 cây bóng mát, 82.243 cây cảnh, đơn lẻ khóm và 535.977m2 cây mảng, thảm cỏ...
Về chỉ tiêu “Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng: 30-35%”, đến hết 6 tháng đầu năm 2023 đạt 19,5% (tăng 1% so với 3 tháng đầu năm 2023). Khối lượng vận chuyển hành khách công cộng trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và các tuyến xe buýt kết nối với tuyến tăng lên, góp phần tăng tỷ lệ hành khách công cộng...
Chỉ tiêu “Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ”, thành phố đã hoàn thành 4 không gian, tuyến phố đi bộ: Khu đô thị Nam đường vành đai 3 - Bitexco; không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Hiện nay, đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành: Khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Tuyến phố văn hóa, ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông...
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Tại hội nghị, thành viên Ban chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện đã tập trung trao đổi những vấn đề, chỉ tiêu khó khăn, đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện thời gian tới như: Tỷ lệ xử lý nước thải; vận tải hành khách công cộng; xây dựng các chợ; hạ ngầm các công trình; cải tạo xây dựng chung cư cũ…
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, chỉ tiêu thành lập 2-3 trung tâm thương mại đến nay đã hoàn thành. Về Trung tâm mua sắm outlet, thành phố thống nhất tìm địa điểm trục đường Nhật Tân - Nội Bài và Thanh Trì - Thường Tín, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và các quận, huyện rà soát, báo cáo. Về đầu tư và cải tạo các chợ, đến nay, đã có 5 chợ được xây dựng mới và 17 chợ được cải tạo, sửa chữa.
Về việc hạ ngầm lưới điện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc thực hiện nội dung này gặp khó khăn, vì ngành thiếu nguồn lực, chưa triển khai được đối với các tuyến đường theo kế hoạch của UBND thành phố.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết, mục tiêu đến năm 2025, thành phố đạt chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng từ 30% đến 35%, nhưng hiện toàn thành phố mới đạt 19,5%. Sở đã xây dựng chương trình phấn đấu năm 2023 đạt 21%. Nguyên nhân khó hoàn thành chỉ tiêu là do ảnh hưởng của dịch bệnh, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh; cùng với đó, còn 31 điểm ùn tắc giao thông, dẫn đến các chỉ tiêu sản lượng vận tải giảm do điều chỉnh lộ trình, xe bỏ chuyến, hành khách ít. Thời gian tới, cùng với nỗ lực của thành phố trong phát triển đường sắt đô thị, Sở cũng đề xuất giải pháp điều chỉnh trợ giá xe buýt điện.
Cho ý kiến về các chỉ tiêu xây dựng chợ và vận tải hành khách công cộng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Giao thông Vận tải và Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo, đề xuất đầu việc rõ, cụ thể từng hạng mục, công trình, mạng lưới, các tuyến đường với UBND thành phố để chỉ đạo thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và các sở, ngành đã báo cáo, tổng hợp, kiểm đếm các việc đã làm, đồng thời thảo luận rõ các vấn đề khó, vấn đề lớn, để tiếp tục chỉ đạo thực hiện thời gian tới. Trong đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị ban quản lý các dự án thành phố và các quận, huyện, thị xã rà soát các công trình, dự án để nỗ lực hoàn thành theo kế hoạch.
Về một số chỉ tiêu như xử lý nước thải, vận tải hành khách công cộng, hạ ngầm dây cáp điện, cải tạo các chợ…, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành đề xuất giải pháp về vốn, cơ chế, chính sách để triển khai sớm, trong đó cần vận dụng các sáng kiến, cách làm hay của các đơn vị như Tây Hồ, Hoàn Kiếm…
Liên quan đến chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị lãnh đạo UBND thành phố phụ trách khối chỉ đạo xem xét loại hình vận chuyển công cộng, việc trợ giá vé; đồng thời chỉ đạo việc cải tạo, nâng cấp các chợ phù hợp điều kiện thực tiễn, bảo đảm tiến độ đề ra.
Đối với việc cải tạo chung cư cũ còn có vướng mắc, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp, cả về cơ chế hỗ trợ, nhằm thúc đẩy nhanh hoàn thành các hạng mục.
Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu ở mức cao nhất, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo; các quận, huyện, thị xã, sở, ngành tập trung rà soát nhiệm vụ, lan tỏa đến cơ sở với mục tiêu cuối cùng “tạo được sản phẩm, mang giá trị đặc trưng của từng địa bàn”.