Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 12% trong năm 2025, Ninh Bình xác định việc phát huy sức mạnh nội tại, khai thác đột phá các nguồn lực mới để phù hợp với xu thế phát triển sẽ trở thành động lực chính, đồng thời là chìa khóa quan trọng để huy động mọi nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và toàn diện.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn. Ảnh: Đức Lam
Nền tảng vững chắc
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Bám sát và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, nhận diện những khó khăn, thách thức, chủ động trong mọi tình huống, kịp thời thích ứng với tình hình, xu thế mới; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Do vậy, tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 của tỉnh tiếp tục có bước phát triển toàn diện, vững chắc, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu và nhóm các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu, trong đó có 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,56%, xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 17/63 cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đạt trên 20.500 tỷ đồng, vượt 11% dự toán. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đạt 81,7%; trong tổng thu nội địa, nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác chiếm tỷ trọng 78% và đóng vai trò chủ đạo trong tổng thu NSNN trên địa bàn.
Kết quả đã đạt được trong năm 2024 là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, tạo đà thuận lợi để Ninh Bình đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn và những kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Ninh Bình xác định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra.
Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP (ngày 5/2/2025) Ninh Bình vinh dự được Chính phủ tin tưởng giao chỉ tiêu tăng trưởng rất cao, đạt 12%, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đây là chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và vượt xa so với năm 2024 (Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,52%). Mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình là sát với mục tiêu tăng trưởng đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 94/NQ- HĐND ngày 04/12/2024.
Quyết tâm cao
Có thể thấy, sau hơn 30 năm đổi mới cùng đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đã diễn ra mạnh mẽ và mục tiêu tăng trưởng này là kết quả chuẩn bị của cả quá trình phát triển ở địa phương. Như vậy, Chính phủ hoàn toàn có cơ sở khi giao trọng trách cho Ninh Bình tăng trưởng 12%. Nhiệm vụ này đặt ra những thách thức lớn cho tỉnh Ninh Bình nhưng cũng thể hiện rõ sự tin tưởng, ghi nhận, đánh giá rất cao của người đứng đầu địa phương; mở ra một cánh cửa mới cho một Ninh Bình phát triển năng động và bứt phá mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 12 %, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành nhận diện những khó khăn, thách thức, xác định các động lực tăng trưởng kinh tế; xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 theo từng tháng, từng quý.
Đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập 4 Tổ công tác do các đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng để trực tiếp rà soát, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Tổ công tác rà soát, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025, yêu cầu các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương phụ trách, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chủ lực của khu vực công nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 12,0%.
Với sự nỗ lực, chủ động của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tỉnh Ninh Bình đã chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá.
Tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm 2025 đạt được một số kết quả quan trọng như: Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 16.267 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ; doanh thu các doanh nghiệp trong KCN, CCN đạt 13.135 tỷ đồng. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 9,67% so với cùng kỳ…
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang thực hiện một số dự án trọng tâm, trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tình Ninh Bình; Dự án mở rộng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn…
Thêm một giải pháp được UBND chỉ đạo quyết liệt đó là tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, đặc biệt là các dự án, công trình trọng tâm và các chương trình mục tiêu quốc gia, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư.
Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đảm bảo tập trung, không dàn trải, manh mún; bố trí vốn tập trung, trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, công trình, dự án lớn quan trọng có tính kết nối vùng, liên vùng, có sức lan tỏa, tạo dư địa, động lực mới, mở rộng không gian, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.