Quyết tâm cao và tâm thế mới
Nghị quyết số 06-NQ/TU thống nhất quan điểm 'lấy quy hoạch làm động lực, là cơ sở, nền tảng để quản lý và phát triển nhanh, bền vững' trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 9.12.2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt tới cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ. Nghị quyết đề ra 17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và 4 chỉ tiêu về xây dựng Đảng; đồng thời đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện. Đây là kim chỉ nam để mỗi tổ chức cơ sở đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát nội dung nghị quyết để đề ra chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp thực tiễn của ngành, đơn vị, địa phương.
Công tác chính trị, tư tưởng của Đảng đi trước mở đường
Để Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy được triển khai, thực hiện tốt, công tác chính trị, tư tưởng và quyết tâm chính trị của người đứng đầu các sở ngành, địa phương là hết sức quan trọng. Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ cho rằng: “tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”, do vậy, công tác chính trị, tư tưởng của Đảng rất quan trọng, phải đi trước mở đường. Thực tế, thời gian qua, huyện Tân Biên cũng có một số khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, hệ thống chính trị của huyện tích cực vào cuộc, kiên trì vận động để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương của tỉnh, của huyện. Từ thực tế trên huyện rút ra bài học kinh nghiệm, đó là muốn làm tốt công tác tư tưởng thì phải nắm chắc phương pháp, kể cả việc lựa chọn người trực tiếp tuyên truyền, vận động sao cho phù hợp với từng đối tượng. Khi tư tưởng thông thì người dân chấp hành chủ trương của Đảng, của chính quyền.
Với quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Tân Biên cho biết huyện sẽ cụ thể hóa nghị quyết bằng 3 nhiệm vụ cụ thể. Huyện ủy sẽ tổng kết công tác tư tưởng của huyện năm 2022; nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 06-NQ/TU để chỉ đạo cụ thể hóa trong nghị quyết của Huyện ủy, triển khai đến từng tổ chức cơ sở đảng một cách thực chất, hiệu quả và tuyệt đối không sao chép kế hoạch tổ chức thực hiện; chú trọng triển khai nghiên cứu, học tập nghị quyết nghiêm túc, chủ động cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của huyện. Trong năm 2023, huyện sẽ triển khai một số nội dung mới, trong đó sẽ tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức diễn đàn nhân dân với Đảng bộ huyện Tân Biên, ít nhất mỗi quý tổ chức 2 xã; chủ động đấu tranh với các lực lượng thù địch trên mạng xã hội và tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trên mạng xã hội tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Đối với đảng bộ thành phố Tây Ninh, Bí thư Thành ủy Lê Minh Thế cho biết sẽ tiếp tục bám sát nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Bám sát nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TU và tình hình thực tiễn đảng bộ Thành phố, Thành ủy cũng đã soát xét các nhiệm vụ, công việc nhất là mặt tồn tại, hạn chế năm 2022 để đưa vào chương trình, kế hoạch khắc phục và xác định những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong năm 2023. Trong đó, Thành ủy đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng qua nhiều kênh, bởi khi tư tưởng thông thì mọi nhiệm vụ mới triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện các quy định, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá; thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “tự soi, tự sửa” gắn với thực hiện hiệu quả chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên để Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững”.
Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực II trao giấy chứng nhận cho cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh hoàn thành lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.
Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với thế và lực mới
Năm 2022, 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với nghị quyết của Tỉnh ủy. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước thực hiện 56.289 tỷ đồng, tăng 9,56%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 16,1%; các hoạt động du lịch khởi sắc, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 130% so cùng kỳ, với hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 200% so cùng kỳ. Thu ngân sách đến 31.12.2022 đạt trên 12.000 tỷ đồng. Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 91,5% so với dân số toàn tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, dân tộc, tôn giáo và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; công tác quân sự quốc phòng được triển khai thực hiện tốt. Nhiều dự án lớn về hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh và kết nối vùng, hạ tầng logistic, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và một số dự án phát triển du lịch, đô thị đã có chủ trương, chuẩn bị triển khai… Tất cả tạo nên thế và lực mới cho năm 2023 để Tây Ninh bứt phá vươn lên, tăng trưởng mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành tỉnh khá trong vùng Đông Nam bộ và cả nước theo nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Nghị quyết số 06-NQ/TU thống nhất quan điểm “lấy quy hoạch làm động lực, là cơ sở, nền tảng để quản lý và phát triển nhanh, bền vững” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bám sát nội dung nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết định hướng lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển KT-XH của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh là sẽ tập trung hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt sẽ rà soát, xây dựng, ban hành các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng nhất là giao thông, đất đai, xây dựng - đô thị; khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát và tham mưu cấp thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Về công nghiệp, sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm; thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (khu công nghiệp Hiệp Thạnh, giai đoạn 2-3 Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời), ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, các ngành nghề giá trị gia tăng cao, tăng hiệu suất sử dụng đất, ít sử dụng lao động phù hợp với xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị gia tăng tại địa phương.
Về nông nghiệp, cơ cấu lại theo quan điểm nông nghiệp mới, làm nông nghiệp theo thị trường, tập trung phát triển lợi thế về khoai mì, rau, cây ăn quả; phát triển chuỗi gà, heo, giúp nông dân hoàn thiện chuỗi chim yến.
Về thương mại, dịch vụ, sẽ được điều hành xây dựng các khu đô thị mới gắn với thương mại, dịch vụ, trọng tâm các dự án phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và vùng phụ cận, dành quỹ đất công của thành phố Tây Ninh và các thị xã để phát thương mại, dịch vụ gắn với du lịch.
Về đầu tư công, UBND tỉnh sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025, đánh giá, dự báo khả năng thực hiện gắn với việc huy động, bố trí nguồn lực nhằm tiếp tục tái cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tăng hiệu quả đầu tư, tập trung cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, các dự án đã có chủ trương của Trung ương và theo định hướng của Tỉnh ủy.
Về văn hóa, xã hội và nhân lực, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách đối với giáo viên mầm non, đề án xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025; rà soát biên chế cả hệ thống UBND các huyện, sở, ngành và đánh giá cán bộ công chức một số sở, ngành. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, sai phạm, tham nhũng ở một số lĩnh vực; đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong các khu vực sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do tác động của thị trường xuất khẩu.
Dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho rằng thực hiện phương châm này, việc triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy của các cấp, các ngành trong năm 2023 và những năm tới sẽ tạo cho Tây Ninh vị thế mới, tâm thế mới, để Tây Ninh thực sự là vùng đất của sự tình nghĩa, trách nhiệm, tiềm năng.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/quyet-tam-cao-va-tam-the-moi-a154497.html